icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chủ động thích nghi

Bài và ảnh: HUỲNH NHƯ

Thị trường lao động đang chuyển dịch mạnh mẽ, buộc người lao động lẫn doanh nghiệp phải liên tục thay đổi để thích nghi

Trước làn sóng chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp (DN) phải liên tục tái cấu trúc để thích nghi. Do vậy, khái niệm "một người - một việc" dần trở nên lỗi thời, thay vào đó, các DN tìm kiếm những nhân sự đa nhiệm, linh hoạt và có khả năng thích ứng nhanh.

Xu hướng tất yếu

Từng gắn bó 5 năm với vị trí nhân sự tại một công ty dịch vụ ở TP HCM, chị Thu Trang (32 tuổi, phường Chánh Hưng, TP HCM) bất ngờ được giao thêm nhiệm vụ phụ trách truyền thông nội bộ, một lĩnh vực chị chưa từng có kinh nghiệm hay được đào tạo bài bản. 

"Tôi vẫn giữ chức danh cũ, nhưng khối lượng công việc gần như tăng gấp đôi và hoàn toàn khác trước. Ngoài tuyển dụng, đào tạo, tôi còn phải lên kế hoạch nội dung, viết bản tin, làm video, tổ chức sự kiện… Mọi thứ đều mới mẻ và đầy áp lực" - chị Trang kể.

Chủ động thích nghi- Ảnh 1.

Người lao động nâng cao kiến thức để mang lại giá trị cao hơn

Không riêng gì chị Trang, ngày càng nhiều nhân viên văn phòng rơi vào tình cảnh tương tự khi DN tiến hành tái cấu trúc hoặc tinh gọn bộ máy. Những công việc quen thuộc được "đóng gói" lại với yêu cầu mới, buộc người lao động (NLĐ) phải chủ động học thêm kỹ năng ngoài chuyên môn chính để thích nghi. Nhiều người gọi đây là tình trạng "công việc mới trong vỏ bọc cũ", khi tên gọi vị trí vẫn giữ nguyên nhưng bản chất công việc đã khác hoàn toàn.

Ông Phạm Phú Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Netalink (TP HCM), nhận định tái thiết kế công việc đang trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh DN phải thích ứng với hàng loạt thay đổi mang tính hệ thống. Tác động của tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số và biến động thị trường đã làm thay đổi sâu sắc cách tổ chức vận hành và phân bổ nguồn lực. 

Cùng với đó, các mô hình làm việc linh hoạt từ xa, kết hợp, theo dự án hay theo kết quả đang lên ngôi, kéo theo yêu cầu chuyển đổi từ đơn nhiệm sang đa nhiệm, từ chuyên môn hẹp sang kiêm nhiệm nhiều vai trò.

Do đó, NLĐ không còn làm một công việc cố định như trước mà cần đảm nhận thêm các chức năng mới, nhất là kỹ năng số, kỹ năng mềm và năng lực thích ứng chiến lược. Về phía DN, áp lực cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu suất khiến nhiều đơn vị buộc phải cơ cấu lại bộ máy, tinh giản nhân sự và tái phân bổ chức năng.

"Công nghệ được tích hợp sâu vào vận hành giúp tự động hóa nhiều quy trình lặp lại, giảm nhu cầu đối với các tầng lớp trung gian như trợ lý, hành chính, kế toán nội bộ hay chăm sóc khách hàng sơ cấp. Hệ quả là nhiều vai trò được sáp nhập hoặc biến đổi, khiến bản mô tả công việc truyền thống trở nên lỗi thời" - ông Lâm nói.

Hai yếu tố không thể thiếu

Theo bà Điêu Hoàng Tú Uyên, Giám đốc Nghiên cứu & Tư vấn nguồn nhân lực Công ty CP Anphabe (phường Sài Gòn, TP HCM), thực tế nhiều DN trong các lĩnh vực công nghệ, ngân hàng, sản xuất và dịch vụ khách hàng đã đi đầu trong làn sóng này.

Họ mạnh tay cắt giảm cấp quản lý trung gian, tích hợp các vị trí như nhân sự - truyền thông nội bộ, kế toán - phân tích dữ liệu, chăm sóc khách hàng - điều phối đơn hàng… Điều này đặt NLĐ vào thế buộc phải thích nghi, học thêm kỹ năng mới và chấp nhận thay đổi nếu không muốn bị đào thải. "Trong guồng quay chuyển đổi ấy, NLĐ cần có năng lực chuyên môn vững vàng, linh hoạt, chủ động, sẵn sàng làm mới chính mình để thích nghi" - bà Uyên nói.

Còn ông Wilson Liêu, Chủ tịch Liên minh Phát triển Năng lực AI Việt Nam (AICA), đánh giá trong bối cảnh công việc ngày càng được tái thiết kế và tích hợp thêm nhiều chức năng, NLĐ không thể chỉ dựa vào kinh nghiệm hay kỹ năng hiện có. Để đồng hành với DN, họ cần chủ động nâng cấp bản thân trên nhiều phương diện. 

Trước hết là phát triển kỹ năng mềm, từ chỗ được xem là phụ trợ, nay đã trở thành nền tảng thiết yếu để làm việc hiệu quả trong môi trường nhiều biến động. NLĐ cũng cần rèn luyện khả năng quản lý thời gian, giao tiếp đa kênh, tư duy phản biện và năng lực giải quyết vấn đề.

"Việc thành thạo các công cụ công nghệ cơ bản như phần mềm văn phòng, hệ thống quản lý công việc, nền tảng cộng tác trực tuyến, kỹ năng phân tích dữ liệu đơn giản, nhất là khả năng tận dụng AI để hỗ trợ công việc cũng trở thành yêu cầu bắt buộc. Đây chính là "hàng rào năng lực" giúp NLĐ không tụt lại phía sau trong quá trình số hóa" - ông Wilson Liêu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, kỹ năng học tập liên tục và khả năng làm việc trong các nhóm liên chức năng là 2 yếu tố không thể thiếu của NLĐ hiện nay. Ai càng chủ động và đa năng, người đó càng ít bị thay thế. Tái thiết kế công việc không có nghĩa là làm nhiều việc hơn, mà là làm việc hiệu quả hơn, với sự hỗ trợ của công nghệ và tư duy linh hoạt. NLĐ cần tự định vị lại năng lực để không trở thành "nút thắt" trong guồng máy đang vận động. 

Kỹ năng hiện tại sẽ thay đổi

Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố báo cáo "Tương lai công việc năm 2025". Báo cáo dựa trên 1.000 phản hồi từ các DN toàn cầu thuộc 22 ngành nghề tại 55 nền kinh tế, đại diện cho hơn 14,1 triệu NLĐ.

Theo WEF, thị trường lao động đang bước vào giai đoạn chuyển dịch mạnh mẽ, với tỉ lệ luân chuyển dự kiến lên tới 22% vào năm 2030. Trong khi 170 triệu việc làm mới có thể được tạo ra thì khoảng 92 triệu công việc có nguy cơ biến mất. Trong 5 năm tới, khoảng 39% kỹ năng hiện tại của NLĐ sẽ thay đổi nhờ tham gia các chương trình đào tạo, tái đào tạo hoặc nâng cao kỹ năng.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo