Chây ì xây dựng, đăng ký thang, bảng lương, thực hiện không đúng và cố tình o ép người lao động (NLĐ), các DN đã tự rước mầm mống bất ổn.
Tiền lương vốn là vấn đề “nhạy cảm”. Nếu DN tuân thủ đúng các quy định về tiền lương, đặc biệt là LTT, thì nguy cơ tranh chấp sẽ được loại trừ. LTT được hiểu là mức lương sàn, bảo đảm cho NLĐ làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện bình thường và được dùng làm căn cứ để tính mức lương các loại lao động khác. Người sử dụng lao động và NLĐ có quyền thỏa thuận mức lương, chỉ cần không thấp hơn LTT.
Pháp luật lao động quy định là vậy song vẫn còn tình trạng DN chưa thực hiện đúng, gây thiệt thòi quyền lợi NLĐ. LTT tăng đồng nghĩa với việc chi phí trích nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ tăng. Do vậy, có tình trạng DN đã đối phó bằng cách cắt giảm các khoản phụ cấp, trợ cấp (đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể) để “bù đắp”. Khi LTT tăng, NLĐ cũng nhen nhóm hy vọng cải thiện thu nhập (tăng ca), song chính việc DN “lấy túi này bỏ túi nọ” đã khiến họ ức chế và ngừng việc tự phát.
Pháp luật lao động cũng quy định khi xây dựng thang, bảng lương, DN phải tham khảo ý kiến của CĐ cơ sở nhưng nhiều DN đã phớt lờ. Điều này đồng nghĩa với việc “triệt tiêu” quyền đại diện, giám sát của tổ chức đại diện cho quyền lợi NLĐ. Rõ ràng, ý thức tuân thủ pháp luật cùng với cách hành xử kém của DN chính là nguyên nhân khiến quan hệ lao động bất ổn.
Chủ tịch CĐ cơ sở một DN từng xảy ra tranh chấp tại huyện Củ Chi, TP HCM kể: “Phát hiện một số bất hợp lý trong thang, bảng lương do DN xây dựng, CĐ cơ sở đã chủ động khuyến cáo nhưng ban giám đốc vẫn quyết định triển khai, gây bức xúc trong tập thể công nhân. Khi ngừng việc xảy ra, lãnh đạo DN lại quay sang đổ hết trách nhiệm cho CĐ cơ sở, hành vi này rất khó chấp nhận”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Thế Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Găng tay Khải Hoàn (tỉnh Bình Dương), bày tỏ: “Để ngăn ngừa tranh chấp, các quy định về LTT cần được DN thực hiện chặt chẽ, không cào bằng quyền lợi công nhân cũ và mới. Ngoài việc tham khảo ý kiến của CĐ cơ sở, thang, bảng lương phải được công khai, minh bạch để NLĐ biết và giám sát. Chính sách tiền lương phải thực sự động viên NLĐ thì quan hệ lao động mới ổn định”.
Trên cơ sở quy định về LTT, các DN có thể xây dựng chính sách tiền lương riêng, kết hợp khéo léo giữa lương cứng và lương mềm (phụ cấp, thưởng, phúc lợi) nhằm ổn định lực lượng lao động và thu hút người giỏi. Theo ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM, công khai, minh bạch trong việc thực hiện chính sách tiền lương và quan tâm, chăm sóc NLĐ chính là điều kiện cần để DN ổn định quan hệ lao động.
Bình luận (0)