Khảo sát 43 vụ ngừng việc xảy ra trên địa bàn TP HCM từ đầu năm 2016 đến nay, Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP cho biết có nhiều doanh nghiệp (DN) để xảy ra tranh chấp từ 2-3/lần. Điều đáng nói là nguyên nhân tranh chấp không mới, chủ yếu là tiền lương. “Chủ động rà soát và hạn chế sai sót là việc DN cần làm sau tranh chấp. Thế nhưng, nhiều chủ sử dụng lao động lại chưa quan tâm đến vấn đề này và đây chính là nguyên nhân tranh chấp tiếp tái diễn” - ông Giang Văn Nam, Trưởng Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ TP, phân tích.
Lấy đá ghè chân mình
Tại công ty W. (100% vốn nước ngoài; đóng tại huyện Củ Chi, TP HCM), lần tranh chấp xảy ra gần đây nhất là trong tháng 8-2016. Trong thông báo xét nâng lương định kỳ hằng năm, công ty cho biết sẽ xét duyệt tay nghề để làm cơ sở nâng bậc lương cho công nhân (CN). Cho rằng công ty “o ép”, toàn bộ CN đã phản ứng và yêu cầu công ty phải điều chỉnh lương đồng loạt cho tất cả CN (làm việc đủ 12 tháng trở lên) và không phải thi tay nghề.
Làm việc với ban giám đốc, cơ quan chức năng phát hiện lỗi không hoàn toàn thuộc về DN. Thực tế, thang, bảng lương mới (đã được các cơ quan chức năng phê duyệt) quy định rất rõ điều kiện nâng lương (2 năm/lần; mỗi lần 5%). Trước khi đăng ký thang, bảng lương, công ty đã đạt được sự đồng thuận với Công đoàn (CĐ) cơ sở. Thế nhưng, thiếu sót của ban giám đốc là không niêm yết công khai để CN biết. “Việc chưa được cung cấp đầy đủ thông tin về quy chế nâng lương mới cùng với thói quen được nâng lương hằng năm khiến CN nhầm tưởng mình bị thiệt thòi quyền lợi. Rõ ràng, tranh chấp xảy ra nếu DN thận trọng hơn trong thực hiện chính sách đối với CN” - một cán bộ đoàn liên ngành huyện tham gia giải quyết tranh chấp nhận định. Sau khi các cơ quan chức năng góp ý, công ty đã ra thông báo điều chỉnh tăng lương hằng năm với mức tăng là 2,5% và không cần thi tay nghề. Cũng cần nhắc lại, vào tháng 3-2016, công ty này cũng đã xảy ra tranh chấp do nhập nhèm trong việc điều chỉnh lương tối thiểu.
Tương tự là Công ty CP K. (huyện Hóc Môn, TP HCM). Vụ tranh chấp đầu tiên xảy ra vào đầu tháng 3-2016 khi CN liên tục bị nợ lương. Ba tháng sau, công ty tiếp tục xảy ra tranh chấp cũng với lý do tương tự. Sau khi các cơ quan chức năng huyện can thiệp, công ty đồng ý bán tài sản để trả lương cho CN. “Gặp khó khăn là điều khó tránh, do vậy thiện chí của DN sẽ đóng vai trò quan trọng để ổn định quan hệ lao động. Chỉ cần DN nói thẳng khó khăn để CN biết thì chắc chắn họ sẽ thông cảm, không cần phải đến các cơ quan chức năng can thiệp” - ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, TP HCM, nói.
Hãy để NLĐ giám sát
Pháp Luật Lao động quy định rất rõ nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi xây dựng thang, bảng lương và các chế độ chính sách khác liên quan đến người lao động (NLĐ). Sau khi đạt được thỏa thuận với CĐ cơ sở và được các cơ quan chức năng ra quyết định công nhận, DN phải công khai để NLĐ biết và việc làm này sẽ giúp hạn chế tranh chấp. Quy định là vậy song không phải DN nào cũng quan tâm thực hiện, trái lại còn tự làm khó mình vì chính sách mập mờ.
Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Di Lynh, Giám đốc Công ty TNHH Giày da Vĩnh Phong (quận Bình Tân, TP HCM), cho biết khi xây dựng quy chế trả lương, thưởng, DN và CĐ cơ sở cân nhắc rất kỹ từng điều khoản, càng chi tiết chừng nào thì càng có lợi chừng ấy. Chính sách tiền lương phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật và được công khai, minh bạch để CN tự giám sát quyền lợi của bản thân mình. Với cách nhìn thấu đáo ấy của ban giám đốc, ở mỗi đợt điều chỉnh lương tối thiểu hoặc xét nâng lương định kỳ, chưa bao giờ CN bị thiệt thòi quyền lợi. “Các quy định về tiền lương ngoài ghi rõ trong hợp đồng lao động còn được niêm yết công khai ở các xưởng và điều này sẽ giúp ổn định tâm lý làm việc của CN. Nếu có thắc mắc, CN có thể đề đạt nguyện vọng qua CĐ cơ sở và sẽ được phản hồi ngay trong ngày”- bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Giày da Vĩnh Phong, chia sẻ.
Tại TP HCM, nhiều DN ổn định được quan hệ lao động nhờ minh bạch trong chính sách, chế độ liên quan đến NLĐ. Điển hình như tại Công ty CP Cơ khí Tân Thanh (quận Thủ Đức), Công ty TNHH Liên doanh Stada (huyện Hóc Môn) hay Công ty TNHH Giày da Huê Phong (quận Gò Vấp). Ở những DN này, chỉ khi nào đạt được sư đồng thuận với CĐ cơ sở và được các cơ quan chức năng công nhận thì chính sách tiền lương, đãi ngộ mới được chủ DN triển khai, áp dụng. Các quy định mới sau khi được sửa đổi, bổ sung trong thang, bảng lương sẽ được DN công khai tại nơi làm việc của NLĐ trước khi áp dụng.
Phải giải thích cặn kẽ
Theo ông Nguyễn Thành An, Giám đốc Công ty Toàn Thanh (huyện Bình Chánh, TP HCM), ý thức tuân thủ luật và rõ ràng trong chính sách chăm lo đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định quan hệ lao động tại DN. “NLĐ rất cần hiểu rõ, hiểu đầy đủ quyền lợi của mình nên DN có trách nhiệm giải thích cặn kẽ với sự hỗ trợ của tổ chức CĐ, có như vậy mới ngăn ngừa được mầm mống tranh chấp” - ông An khẳng định.
Bình luận (0)