“Lương công bằng, các chế độ như BHXH, BHYT được bảo đảm, việc nghỉ phép, cung cấp bữa ăn… được thực hiện tốt sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp (DN)”. Đây là ý kiến của bà Camilla Mellander, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, trong hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc cải thiện quan hệ lao động” do Đại sứ quán Thụy Điển cùng Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP HCM phối hợp tổ chức mới đây.
Có trách nhiệm với cộng đồng
Theo bà Camilla Mellander, bên cạnh việc kinh doanh, DN cần tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội để nâng cao uy tín thương hiệu và thể hiện trách nhiệm đối với cộng đồng. Chẳng hạn, một DN Thụy Điển đã tài trợ 100 ca mổ tim cho trẻ em Việt Nam. Việc này mang đến lợi ích cho cả hai bên: DN khẳng định được thương hiệu, đồng thời các em được hưởng lợi. Một DN khác của Thụy Điển cung cấp sữa cho bữa ăn trưa tại nhà trẻ ở Việt Nam… Đây là trách nhiệm xã hội mà DN cần chú trọng thực hiện.
Ông Jaroslaw Kielak, đại diện Tập đoàn Ikea (chuyên về nội thất nhà ở) có chi nhánh tại 328 quốc gia với gần 1.000 nhà cung cấp (trong đó, 30 nhà cung cấp tại Việt Nam), cho biết tập đoàn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, quan tâm đến nhân công và trái đất. Với mục tiêu giúp người lao động (NLĐ) vui vẻ, hạnh phúc, Ikea yêu cầu môi trường làm việc phải thân thiện, sản phẩm phải có tính bền vững. Khi làm việc với nhà cung cấp, tập đoàn yêu cầu phải tôn trọng NLĐ, môi trường làm việc của NLĐ phải bảo đảm các điều kiện thiết yếu. Tập đoàn khuyến khích sử dụng lao động trẻ nhưng không được sử dụng trẻ em. Theo ông Jaroslaw Kielak, môi trường làm việc tốt và thu nhập tốt thì NLĐ sẽ cống hiến, làm việc hết mình và đem lại lợi ích cho DN về lâu dài.
Ở góc độ nhà sản xuất, ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP SX-TM May Sài Gòn (Garmex), cho biết: Công ty trang bị đầy đủ phương tiện bảo hộ cho NLĐ, thực hiện PCCC, tạo môi trường làm việc an toàn. Để bảo đảm sức khỏe cho NLĐ, công ty không ký kết với nhà thầu cung cấp thức ăn mà sử dụng bộ phận nấu ăn riêng, vừa hạ giá thành vừa bảo đảm bữa ăn chất lượng và an toàn. Bên cạnh đó, công ty có trạm y tế tại các nhà máy; thực hiện nghiêm túc các chế độ BHXH, BHYT cho NLĐ; thực hiện quy chế đối thoại với NLĐ…
Quan tâm đến người lao động
Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập sâu hơn thông qua việc hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Khi EVFTA có hiệu lực - dự kiến năm 2018 - khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh của DN thông qua việc cải thiện quan hệ lao động là rất lớn song cũng đặt ra nhiều thách thức.
Bà Camilla Mellander cho biết Thụy Điển là quốc gia có bề dày kinh nghiệm về việc NLĐ thành lập Công đoàn và thông qua thương lượng để giải quyết xung đột với giới chủ. Công đoàn Thụy Điển được thành lập từ năm 1888, lúc đó, NLĐ Thụy Điển phải làm việc nhiều giờ trong điều kiện khắc nghiệt. Tuy nhiên, Thụy Điển là quốc gia tiên phong trong việc thiết lập các mục tiêu phát triển bền vững và cải thiện quan hệ lao động. Hiện Thụy Điển là một trong những quốc gia đi đầu về chỉ số bền vững, chỉ số môi trường, xã hội và quản trị.
Chia sẻ kinh nghiệm của Thụy Điển, bà Camilla Mellander cho rằng Việt Nam hội nhập quốc tế song không nên đánh đổi gia tăng thương mại bằng những hậu quả về ô nhiễm môi trường hoặc vi phạm quyền của NLĐ.
“Những điều khoản phi thương mại trong các hiệp định như điều khoản về lao động, môi trường... đặt ra nhiều thách thức. Điều này đòi hỏi DN Việt Nam phải chú trọng tuân thủ các quy định cũng như thực hiện trách nhiệm xã hội để thỏa mãn yêu cầu của EVFTA; xa hơn nữa là bảo đảm cho sự phát triển bền vững của DN nói riêng và nền kinh tế nói chung” - ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh.
Cần chủ động tận dụng cơ hội
Theo bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Chương trình Better Work Việt Nam, gia nhập các hiệp định quốc tế giúp DN Việt Nam có cơ hội cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ.
Hiện nay, Better Work Việt Nam được thực hiện ở 373 nhà máy với gần 486.000 công nhân tham gia (80% là nữ). Các DN đã nỗ lực cải thiện môi trường làm việc, giảm tranh chấp lao động, giảm tỉ lệ ngừng việc, giúp NLĐ gắn bó với nhà máy hơn. Tuy nhiên, thách thức cũng nhiều hơn nên DN cần chủ động, tích cực tận dụng các cơ hội; tăng cường đối thoại, chia sẻ thông tin; tăng cường liên kết tạo sức mạnh chung.
Bình luận (0)