“Có ưu tư hay trăn trở gì, anh chị em cứ mạnh dạn trình bày, chúng tôi sẽ tiếp thu và cố gắng hết mức để giải quyết. Ý kiến đóng góp chân tình của anh em sẽ giúp cấp trên nhận diện một cách đầy đủ những khó khăn tại đơn vị và cùng tìm hướng đi thích hợp để tháo gỡ”. Ông Lê Tấn Hùng - Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - mở đầu như vậy tại chương trình đối thoại giữa đoàn viên, công nhân với lãnh đạo tổng công ty vừa được tổ chức mới đây.
Sát sườn với đời sống người lao động
Với định hướng sát sườn của ban tổ chức, chương trình đã nhận được 12 ý kiến của 120 đại biểu đại diện cho các phòng, ban, công ty thành viên trực thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn. Đa số ý kiến gắn liền với thực tiễn công việc, đời sống hằng ngày của người lao động (NLĐ) và điều này giúp không khí đối thoại thêm cởi mở.
Đặt thẳng vấn đề về nguồn nhân lực, ông Hoàng Thanh Giang, Phó Giám đốc Xí nghiệp (XN) Chăn nuôi heo Đồng Hiệp, phản ánh do điều kiện làm việc ở các chuồng trại rất cực nên số đông bác sĩ thú y, kể cả học viên hệ trung cấp, sau khi ra trường đều chọn việc tiếp thị, bán hàng. Thực tế ấy khiến doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động.
“Việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đòi hỏi DN phải có đội ngũ lao động giỏi nghề mới nâng cao được khả năng cạnh tranh. Do vậy, ngoài cơ chế, chính sách để thu hút lao động có chuyên môn về làm việc, tổng công ty cần mở những lớp tập huấn kỹ thuật cho lao động tại chỗ, tạo điều kiện cho NLĐ tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài” - ông Giang đề xuất.
Ông Giang cho biết một số công ty có nhà lưu trú nhưng chỉ giải quyết cho lao động độc thân, trong khi người có gia đình rất đông. “Tổng công ty cần quan tâm đầu tư xây nhà lưu trú và có chính sách hỗ trợ NLĐ an cư” - ông mong mỏi.
Đánh giá cao cách tiếp cận vấn đề của ông Giang, ông Lê Tấn Hùng cho biết sắp tới, tổng công ty sẽ tính toán đưa một số lao động ra nước ngoài học hỏi kỹ thuật chăn nuôi. Về vấn đề nhà ở cho NLĐ, tổng công ty đã có chủ trương và đang đề xuất với TP.
Bày tỏ trăn trở về thực trạng việc làm, thu nhập của NLĐ tại đơn vị, ông Nguyễn Vĩnh Phước, Phó Chủ tịch CĐ Công ty Nước mắm Việt Hương Hải, cho hay công ty hiện không nhập nguyên liệu nữa, do vậy chỉ sản xuất cầm chừng, thu nhập của CN sụt giảm. “Tâm lý NLĐ rất hoang mang. Chúng tôi rất mong lãnh đạo tổng công ty có biện pháp để hỗ trợ DN vực dậy sản xuất, ổn định đời sống NLĐ” - ông Phước kiến nghị.
Chia sẻ sự cảm thông trước hoàn cảnh khó khăn của DN, ông Vân Trọng Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, nhìn nhận: “Công ty Nước mắm Việt Hương Hải nằm trong diện vừa phải di dời vừa phải thoái vốn nên gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi chờ đợi chính sách từ tổng công ty, Công đoàn tổng công ty nên chủ động gặp gỡ NLĐ để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng cũng như hỗ trợ kịp thời những trường hợp khó khăn”.
Gắn kết trách nhiệm
Chương trình đối thoại giữa DN và lãnh đạo quận 5, TP HCM do LĐLĐ quận tổ chức mới đây cũng tạo được ấn tượng với người sử dụng lao động. Ý kiến đóng góp xác đáng của các DN - nhất là những vấn đề liên quan đến đời sống, việc làm của NLĐ - đều được lãnh đạo quận 5 ghi nhận và cam kết hỗ trợ giải quyết trên tinh thần cộng đồng trách nhiệm. Đối thoại cũng là cơ hội để nhiều DN trao đổi kinh nghiệm trong công tác điều hành, quản lý đơn vị, hóa giải gút mắc trong quan hệ lao động.
Hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, ông Nguyễn Hữu Khanh, Chủ tịch Công đoàn Công ty Taxi Hoàng Long, phản ánh tình trạng cạnh tranh giữa các hãng taxi truyền thống ngày càng gay gắt, chưa kể sự xuất hiện của các hình thức kinh doanh mới như Uber, Grab. Điều này không chỉ khiến các DN vận tải gặp khó khăn mà việc làm của NLĐ cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.
“Ban giám đốc yêu cầu phải tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy để tiết giảm chi phí và đây chính là bài toán khó cho tổ chức Công đoàn các bộ phận liên quan. Đã có nhiều tài xế nghỉ việc do cuộc sống quá khó khăn” - ông Khanh cho biết.
Ý kiến của ông Khanh lập tức nhận được sự “phản hồi” từ ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Giám đốc Công ty Sinh Thái (hoạt động trong lĩnh vực vận tải). Theo ông Thịnh, khi NLĐ bỏ việc, người đứng đầu DN phải tìm hiểu cặn kỹ lý do. Có như vậy mới đưa ra hướng giải quyết hợp lý nhằm hạn chế tình trạng biến động lao động.
Ông Thịnh cho rằng chính sách chăm lo của DN đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc ổn định nguồn nhân lực. “Ở công ty chúng tôi, tuy thu nhập NLĐ chưa cao nhưng ban giám đốc luôn bảo đảm thực hiện tốt những quyền lợi cơ bản nhất của họ. Hiện 100% NLĐ được ký hợp đồng lao động, đóng BHYT, BHXH đầy đủ. Với sự chỉn chu ấy, 3 năm chỉ có 20 tài xế xin nghỉ việc” - ông Thịnh dẫn chứng.
Trong khi đó, đại diện Công ty Du lịch Liên Bang phản ánh mỗi NLĐ thường sở hữu 3-4 thẻ ngân hàng nhưng bảo hiểm thất nghiệp lại chỉ định mở thẻ mới của một ngân hàng TP và đây là quy định bất hợp lý, gây lãng phí lớn. “Nếu chỉ mở thẻ để lấy vài tháng lương thất nghiệp thì vừa mất thời gian vừa gây khó cho NLĐ. UBND quận cần kiến nghị cơ quan BHXH rà soát, sửa đổi quy định này nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho NLĐ” - vị này đề đạt.
Ông Trương Canh Ba, Phó Chủ tịch UBND quận 5, cam kết các phòng, ban, đoàn thể quận sẽ rà soát lại từng vấn đề mà các DN kiến nghị và sẽ cố gắng giải quyết sớm. Chủ trương của quận là tạo mọi điều kiện cho DN hoạt động và phát triển để NLĐ an tâm làm việc.
Bình luận (0)