Tại hội thảo “Hoàn thiện pháp luật lao động trong quá trình hội nhập quốc tế” do Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) và BHXH Việt Nam tổ chức mới đây, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội, nhận định: “Nội dung Bộ Luật Lao động (BLLĐ) khá đầy đủ nhưng chưa hoàn thiện. Chúng ta cần nghiêm túc đánh giá, tổng kết để sửa đổi. Tôi tin rằng nếu không sửa đổi thì chúng ta sẽ không bao giờ ký được Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tranh chấp vì luật
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, rất nhiều nội dung của BLLĐ chưa thể triển khai hoặc chưa được hướng dẫn. Nếu có hướng dẫn thì hoặc có nghị định, chưa có thông tư hay có thông tư nhưng chưa rõ ràng. Đồng tình với nhận định trên, ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM, dẫn chứng: Chính phủ và Bộ LĐ-TB-XH đã ban hành Nghị định 49/CP và Thông tư 17/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều về tiền lương. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước phải tự xây dựng thang bảng lương, định mức lao động nhưng thực tế, các DN vẫn chưa biết phải xây dựng thang, bảng lương như thế nào dẫn đến tình trạng sao chép để đối phó. Hậu quả là sức lao động bị bóc lột một cách công khai, nhất là sau mỗi lần điều chỉnh lương tối thiểu vùng, gây ra nhiều vụ tranh chấp lao động tập thể.
Ông Nguyễn Bảo Cường, Phó trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công Sở LĐ-TB-XH TP HCM, lại nêu tình trạng DN lấy “lý do kinh tế” để đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động diễn ra khá phổ biến, gây bức xúc cho người lao động. Theo Nghị định 05/CP, “lý do kinh tế” thuộc một trong các trường hợp khủng hoảng, suy thoái kinh tế hay thực hiện chính sách của nhà nước khi tái cơ cấu nền kinh tế hoặc thực hiện cam kết quốc tế. “Phạm vi điều chỉnh quá rộng ở tầm vĩ mô, trong khi cái cần hướng dẫn là trong phạm vi một DN (vi mô) thì lại không có” - ông Cường nhận xét.
Hiểu sao cũng được!
Bên cạnh những văn bản hướng dẫn chưa sát thực tế, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho rằng trong BLLĐ còn một số quy định có nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau. Chẳng hạn như vấn đề hợp đồng lao động hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc (khoản 2, điều 22). Quy định này đang có nhiều cách hiểu khác nhau, điển hình là quan điểm trái ngược của các cấp tòa án trong giải quyết vụ tranh chấp lao động tại Công ty TNHH Giày An Thịnh (tỉnh Bình Dương). Hay như vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc, cho đến nay vẫn chưa có định nghĩa hay nêu ra những hành vi cụ thể để áp dụng. Một trường hợp khác là quy định lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản còn “thòng” thêm “trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác...” dẫn đến lao động nữ sau khi nghỉ thai sản không được trở lại làm công việc cũ vì “việc làm cũ không còn”.
Theo TS Đỗ Ngân Bình, Đại học Luật Hà Nội, để đối phó với tình trạng BLLĐ có nhiều cách hiểu và thực hiện khác nhau, Luật Tổ chức TAND quy định từ ngày 1-6-2015, tòa án được sử dụng án lệ để xử lý những vấn đề mà văn bản pháp luật không rõ ràng. “Nếu để ra đến tòa thì mọi việc rất phức tạp và không thể kiểm soát được tính khách quan của các án lệ đã tuyên” - bà Bình khẳng định và kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên sử dụng quyền giải thích pháp luật để biến mọi thứ trở nên rõ ràng, rành mạch; giúp các bên có căn cứ áp dụng, hạn chế rủi ro khi áp dụng án lệ ở tòa.
Bình luận (0)