Công ty CP Kết nối nhân tài (Talentnet Corporation) vừa công bố "Kết quả khảo sát lương, thưởng phúc lợi 2022". Theo đó, năm 2022, kinh tế Việt Nam khởi sắc trên mọi lĩnh vực nhờ vào sự trở lại mạnh mẽ của các doanh nghiệp (DN) sau dịch COVID-19 với mức tăng trưởng GDP gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam cũng được ghi nhận là quốc gia thu hút vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ (đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á). Đây là một tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế nói chung và thị trường lao động nói riêng.
Những tín hiệu lạc quan
Báo cáo cũng cho thấy năm 2023, chỉ còn 5 công ty đa quốc gia tham gia khảo sát sẽ "đóng băng" việc tăng lương (năm 2021 là 27 công ty), trong khi đó tất cả công ty Việt Nam dự kiến sẽ tăng lương cho nhân viên. Năm 2022, chính sách tăng lương của các DN đa quốc gia tăng nhẹ 0,2%, còn các DN Việt Nam lại giảm 0,3% so với năm ngoái.
Dự đoán, xu hướng tăng lương năm 2023 của DN đa quốc gia và DN Việt Nam sẽ không có sự chênh lệch và đều tăng trưởng ở mức 7,1% và dần quay trở lại mức trước khi dịch COVID-19 xảy ra. Trong đó, tốp 3 nhóm ngành có mức tăng lương cao nhất là công nghệ cao (tăng 8,88%), bảo hiểm (tăng 8,2%) và dược phẩm - thiết bị y tế (tăng 7,6%)...
Thu hút và giữ chân nhân tài luôn là vấn đề thiết thân đối với doanh nghiệp Ảnh: HUỲNH NHƯ
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Tổng Giám đốc Talentnet Corporation, nhận định thu hút và giữ chân nhân tài là bài toán chưa bao giờ cũ đối với DN. Tuy nhiên, "đề bài" này sẽ được thay đổi liên tục theo bối cảnh kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh mới, người lao động (NLĐ) không chỉ mong muốn lương cao hay công việc ổn định, họ còn mong mỏi một chính sách bình đẳng giữa tất cả nhân viên nhưng cũng được cá nhân hóa theo đúng nhu cầu của họ.
"Chính vì thế, DN càng hiểu rõ về thị trường lao động, cập nhật xu hướng nhân sự khu vực và tái thiết kế được những chính sách lương, thưởng hiệu quả và bền vững sẽ là chìa khóa giúp DN có được một chiến lược nhân tài thức thời hơn" - bà Hương nói.
Phải chăm lo nguồn lực
Theo các chuyên gia lao động việc làm, trong bối cảnh hậu COVID-19, để giữ chân NLĐ nhằm phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất, các DN phải có chính sách chăm lo căn cơ, trong đó chú trọng lương, thưởng, phúc lợi cũng như môi trường làm việc.
Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hùng Vương (quận 10, TP HCM) được biết đến là một trong những DN điển hình biết cách giữ chân NLĐ. Ngoài bảo đảm các lương, thưởng, công ty này còn có nhiều chính sách phúc lợi hấp dẫn để ổn định nguồn nhân lực lâu dài, như: hỗ trợ tiền cơm giữa ca (30.000 đồng/bữa), tiền xăng (700.000 đồng/tháng), thưởng tháng 13 (1,5 tháng lương/người), NLĐ phẫu thuật được hỗ trợ 2 triệu đồng. Ngoài ra, công ty còn hỗ trợ 1 tháng lương cho lao động nữ sinh con khi trở lại làm việc sau kỳ thai sản.
Để NLĐ an tâm làm việc, công ty đang xây dựng khu nhà lưu trú có diện tích 720 m2 với quy mô 1 trệt, 1 lầu tại KCN Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cho NLĐ ở miễn phí. Ông Nguyễn Anh Tài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hùng Vương, cho biết hiện thu nhập bình quân của NLĐ là 9 triệu đồng/người/tháng. Ban giám đốc đang tìm kiếm nhiều đơn hàng, công trình để có thể nâng mức thu nhập của NLĐ để họ an tâm, gắn bó với công ty.
HTX Vận tải số 9 (quận 5, TP HCM) cũng là một đơn vị có nhiều chính sách phúc lợi tốt cho NLĐ. Ngoài tiền lương bình quân 8,5 triệu đồng/người/tháng, thỏa ước lao động tập thể của HTX còn có nhiều điều khoản có lợi cho NLĐ như: thưởng Tết (từ 3-20 triệu đồng/người), thưởng chuyên cần (500.000 đồng/tháng), hỗ trợ khám thai định kỳ cho nữ công nhân (100.000 đồng/lần)… Đặc biệt, NLĐ tham gia học nghề hoặc theo học các chương trình cao đẳng, đại học được DN hỗ trợ 50% học phí.
Ông Đinh Nam Dinh, Giám đốc HTX Vận tải số 9, cho biết vận tải là ngành đặc thù không chỉ đòi hỏi dịch vụ tốt, chất lượng bảo đảm mà nhân viên phải vui vẻ, tận tâm phục vụ khách. "Sự cạnh tranh của các DN, HTX trong ngành rất lớn vì thế để giữ được lao động giỏi đòi hỏi đơn vị phải có chế độ lương, phúc lợi tốt cho họ" - ông Dinh bày tỏ.
Trả lương minh bạch
Theo báo cáo của Talentnet Corporation, có 69% NLĐ cho rằng trả lương minh bạch là quan trọng và hầu hết họ không biết về cách được trả lương. Bên cạnh đó, có 80% người có mức lương cao hơn thị trường cho rằng họ được trả thấp hơn hoặc tương đương với thị trường; 64% những người có lương tương đương với thị trường nghĩ rằng họ có mức lương thấp hơn thị trường và sẽ có xu hướng dễ tìm kiếm cơ hội công việc khác.
Bình luận (0)