Mới đây, sau khi nhận thông báo tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ) từ Công ty TNHH Điện lực H.P (huyện Nhà Bè, TP HCM), 26 lao động đã gửi đơn khiếu nại đến cơ quan chức năng.
Phải hợp lý, hợp tình
Về lý do tạm hoãn HĐLĐ, Công ty TNHH Điện lực H.P cho hay do đơn vị tạm dừng vận hành phát điện trong thời gian dài, trong khi dự án đầu tư nâng cấp cải tạo nhà máy đến nay chưa được ngân hàng giải ngân dẫn đến khó khăn về tài chính.
Dù công ty đã cố gắng tìm giải pháp khắc phục nhưng không hiệu quả, buộc phải thu hẹp sản xuất, tạm dừng các hợp đồng với nhà thầu nên một số nhân viên sẽ không có việc làm. Vì thế, công ty tạm hoãn thực hiện HĐLĐ lần 1 với 26 nhân viên nói trên kể từ ngày 15-10-2023 đến 30-6-2024. Trong thời gian tạm hoãn HĐLĐ, người lao động (NLĐ) không được hưởng lương, các chế độ khác và đóng các loại bảo hiểm.
Phía NLĐ cho rằng công ty không tuân thủ đúng lý do, trình tự, thủ tục khi thực hiện tạm hoãn HĐLĐ theo quy định của Bộ Luật Lao động. Ngoài việc không tiến hành thỏa thuận, công ty lấy lý do khó khăn để tạm hoãn HĐLĐ nhưng lại chưa cho NLĐ thấy bất cứ giải pháp khắc phục nào doanh nghiệp (DN) đã thực hiện trong thực tế. Sau khi các cơ quan chức năng can thiệp, công ty đã thu hồi thông báo tạm hoãn HĐLĐ với NLĐ.
Khác với trường hợp trên, Công ty TNHH N.B (quận 12, TP HCM) thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục trước khi cắt giảm lao động nhưng vẫn bị 600 NLĐ phản ứng. Cụ thể, cuối tháng 8-2023, do ảnh hưởng dịch COVID-19 và khủng hoảng tài chính, đơn hàng của công ty giảm nên phải thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động theo điều 42 Bộ Luật Lao động.
Theo đó, công ty đã đối thoại với Công đoàn cơ sở khi xây dựng phương án sử dụng lao động; gửi phương án sử dụng lao động cho cơ quan chức năng trước khi tiến hành cắt giảm. Đối với NLĐ mất việc, công ty chi trả tiền phép năm của những ngày chưa sử dụng hết và trợ cấp mất việc với mức thấp nhất 2 tháng lương/người.
Sau khi thông tin cắt giảm được công bố, công ty đã vấp phải phản ứng gay gắt của NLĐ vì họ cho rằng lý do khó khăn DN đưa ra chưa hợp lý. Từ đầu năm đến nay, công nhân vẫn làm việc bình thường, chỉ không tăng ca và thỉnh thoảng nghỉ vài ngày nên không đến mức phải cắt giảm số lượng lớn lao động.
Mặt khác, hầu hết những người nằm trong danh sách cắt giảm là công nhân lâu năm, đang hưởng lương thời gian nên NLĐ cho rằng việc cắt giảm của công ty nhắm đến lao động lớn tuổi, có mức lương cao nhưng từ chối đề nghị chuyển qua hưởng lương sản phẩm trước đó từ công ty. "Công ty khẳng định việc cắt giảm là đúng quy định, được cơ quan chức năng đồng thuận, song đối tượng cắt giảm là lao động lớn tuổi, có nhiều cống hiến là chưa hợp lý, hợp tình, thậm chí có hành vi phân biệt đối xử" - các công nhân nhận định.
Cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM tư vấn pháp luật cho người lao động
Thiếu thuyết phục
Nôn nóng cắt giảm lao động nhanh chóng nhằm tiết giảm chi phí khi gặp khó khăn đã khiến không ít DN xem nhẹ việc tuân thủ quy trình cắt giảm, chấm dứt HĐLĐ với NLĐ theo quy định để rồi phải gánh thêm khoản chi phí bồi thường không đáng có.
Chẳng hạn, Công ty TNHH H.T.P (quận 8, TP HCM) gặp khó khăn đến mức phải ngừng hoạt động từ đầu năm 2023 đến nay nhưng vẫn phải trả bồi thường cho NLĐ theo phán quyết của tòa. Trước đó, do ảnh hưởng dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế, lượng khách hàng ít, không có chi phí trả lương cho nhân viên và tiếp tục duy trì hoạt động nên ngày 24-11-2022, giám đốc công ty đã gửi tin nhắn cho toàn bộ nhân viên với nội dung: "Tôi không thể duy trì công ty. Mọi người làm việc hết Tết âm lịch".
Đến ngày 31-12-2022, toàn bộ nhân viên được cho nghỉ việc. Bà N.T.K.T, nhân viên bán hàng, cho biết việc bị công ty cho nghỉ việc đột ngột vào thời điểm cuối năm khiến bà gặp nhiều khó khăn khi mất thu nhập nhưng không thể tìm công việc mới. Bức xúc vì quyền lợi bị ảnh hưởng do hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật của công ty, bà T. và một số nhân viên đã khởi kiện công ty ra tòa.
Tại phiên xử vụ án tranh chấp lao động giữa bà T. và công ty mới đây tại TAND quận 8, TP HCM, Hội đồng xét xử nhận định lý do cắt giảm lao động là vì dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế của công ty là không có căn cứ. Bởi lẽ, khoảng thời gian bà T. làm việc tại công ty (từ ngày 1-3 đến 31-12-2022) thì dịch COVID-19 đã được kiểm soát, mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh đã trở lại bình thường.
Đồng thời, cũng không có đợt khủng hoảng kinh tế nào được ghi nhận và nếu có thì công ty cũng chưa thực hiện tất cả thủ tục được quy định tại các điều 42, 44, 45 của Bộ Luật Lao động năm 2019 khi chấm dứt HĐLĐ với NLĐ. Mặt khác, khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ với bà T., công ty cũng không thực hiện việc báo trước theo quy định.
Do vậy, việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ của công ty là trái pháp luật nên phải bồi thường các khoản theo yêu cầu của bà T. Ngoài bà T., một số nhân viên khác cũng được tuyên thắng kiện và buộc công ty phải bồi thường theo quy định.
Bảo đảm thực hiện đúng 2 yếu tố
Ông Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn - LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, cho hay thời gian qua, trung tâm hỗ trợ khá nhiều trường hợp NLĐ khởi kiện DN ra tòa liên quan việc bị chấm dứt HĐLĐ do thiếu đơn hàng. Bên cạnh những DN cắt giảm do gặp khó khăn thật sự vì thiếu đơn hàng, cũng có một số DN lợi dụng tình hình để cắt giảm lao động với mục đích khác. Đồng thời, khi tiến hành cắt giảm lao động, DN thường khá nóng vội do muốn nhanh chóng tiết giảm chi phí, dẫn đến dễ sai sót trong thực hiện các trình tự, thủ tục theo luật định. "Quy trình cho NLĐ thôi việc phải đúng về nội dung và cả hình thức, do vậy, muốn tránh thiệt hại, DN phải bảo đảm thực hiện đúng 2 yếu tố này" - ông Hà khuyến nghị.
Bình luận (0)