xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Giữ mức đóng kinh phí Công đoàn 2% là hợp lý

VĂN DUẨN - MINH CHIẾN

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) quy định kinh phí Công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng, bằng 2% quỹ tiền lương đóng BHXH bắt buộc

Sáng 24-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Luật Công đoàn (sửa đổi).

Dành để chăm lo đời sống người lao động

Theo dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) trình tại kỳ họp thứ 8, điều 29 quy định nguồn tài chính Công đoàn gồm: đoàn phí Công đoàn do đoàn viên đóng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam; kinh phí Công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đóng, bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc cho người lao động (NLĐ).

Nguồn tài chính Công đoàn còn từ ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ; nguồn thu khác từ hoạt động văn hóa, thể thao, hoạt động kinh tế của Công đoàn. Chính phủ quy định phương thức, thời hạn và nguồn đóng kinh phí Công đoàn.

Kinh phí Công đoàn được tổ chức Công đoàn sử dụng để chăm lo cho người lao động. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM - trao quà cho công nhân khó khăn Ảnh: MAI CHI

Kinh phí Công đoàn được tổ chức Công đoàn sử dụng để chăm lo cho người lao động. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, TP HCM - trao quà cho công nhân khó khăn Ảnh: MAI CHI

Trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị duy trì kinh phí Công đoàn 2% bởi nguồn kinh phí này đã phát huy hiệu quả hơn 60 năm qua trong việc chăm lo đời sống NLĐ. Đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) đề nghị tiếp tục duy trì mức kinh phí Công đoàn 2% và quy định như dự thảo luật.

"Nguồn kinh phí Công đoàn đã được duy trì và phát huy có hiệu quả hơn 60 năm qua, từ năm 1957, khi có Luật Công đoàn đến nay. Nguồn kinh phí này được sử dụng tại Công đoàn cơ sở chủ yếu để chăm lo đời sống đoàn viên, NLĐ, như thăm hỏi, lo ốm đau, quà Tết, quà sinh nhật… hoặc tổ chức các hoạt động về văn hóa, thể thao" - ông Minh cho biết.

Bên cạnh đó, theo nhiều đại biểu, dự thảo luật đã bổ sung một số nội dung để phù hợp với thực tiễn, như quy định tạm dừng, miễn giảm đóng kinh phí Công đoàn với các tổ chức, DN gặp khó khăn. Vì vậy, khi thực hiện chính sách này, nguồn thu từ kinh phí Công đoàn dự kiến sẽ giảm. Tuy nhiên, khi đó, Công đoàn cấp trên vẫn hỗ trợ và bảo vệ, duy trì quyền lợi cho đoàn viên, NLĐ tại Công đoàn cơ sở thuộc trường hợp tạm dừng, miễn giảm đóng kinh phí Công đoàn.

"Do đó, việc luật hóa và tiếp tục duy trì kinh phí Công đoàn 2% như quy định trong dự thảo luật là hết sức cần thiết, bảo đảm cho Công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với đoàn viên, NLĐ, trách nhiệm trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần ổn định, phát triển các cơ quan, đơn vị, DN" - đại biểu Minh nhìn nhận.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) cũng nhất trí cao với việc duy trì kinh phí Công đoàn 2%. Bà Lam cho rằng qua thực tiễn, nguồn thu này cùng với các nguồn thu khác là cơ sở quan trọng giúp Công đoàn chăm lo tốt cho đoàn viên, NLĐ; tạo sự gắn kết trong hoạt động giữa Công đoàn và NLĐ.

Tăng đãi ngộ cán bộ Công đoàn

Theo các đại biểu Quốc hội, hiện nay, mức phụ cấp cho cán bộ Công đoàn cấp cơ sở là rất thấp, gây khó khăn cho hoạt động và khó thu hút nhân lực tham gia.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng tuy dự thảo luật không quy định cụ thể tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu tài chính Công đoàn nhưng Tổng LĐLĐ Việt Nam cần quan tâm, nâng mức phụ cấp cho cán bộ Công đoàn cơ sở.

Đại biểu Trần Kim Yến (đoàn TP HCM) cho rằng các điều khoản trong dự thảo luật đã quy định về tổ chức, bộ máy, cán bộ, điều kiện cơ sở vật chất và tài chính. Đây là những điều kiện cần thiết để bảo đảm cho hoạt động của tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, một số nội dung trong dự thảo luật chưa bao quát hết; nên phân chia rõ về tổ chức bộ máy Công đoàn và tài chính, tài sản Công đoàn.

Đối với cán bộ Công đoàn chuyên trách, bà Trần Kim Yến đề xuất cần có quy định cán bộ chuyên trách do Công đoàn trả lương từ nguồn tài chính Công đoàn. Trong đó, cần quy định sự chủ động về biên chế, số lượng cán bộ Công đoàn chuyên trách theo số lượng Công đoàn cơ sở, đoàn viên và khả năng chi trả lương từ nguồn tài chính Công đoàn. Bà dẫn chứng có Công đoàn cấp huyện quản lý hơn 2.000 Công đoàn cơ sở và gần 150.000 đoàn viên nhưng chỉ có 13 cán bộ Công đoàn nên rất khó hoạt động.

Với việc quy định tổ chức Công đoàn được đầu tư nhà ở xã hội, công trình văn hóa - thể thao, hạ tầng kỹ thuật liên quan để phục vụ đoàn viên và NLĐ, đại biểu Trần Kim Yến đánh giá đây là nội dung mới mà Quốc hội, Chính phủ giao cho Công đoàn. Tuy nhiên, theo bà Yến, nếu chỉ ghi ngắn gọn như vậy trong dự thảo luật và không được cụ thể hóa chi tiết, rõ ràng hơn, sẽ rất khó cho tổ chức Công đoàn khi triển khai thực hiện.

Tiếp thu, giải trình cuối phiên thảo luận, ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết về kinh phí Công đoàn, đa số đại biểu đồng tình với mức 2%. Trong quá trình soạn thảo, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã báo cáo tiếp thu giải trình những ý kiến liên quan về kinh phí Công đoàn.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam thông tin: Kinh phí Công đoàn được để lại Công đoàn hiện nay là 75% dùng chăm lo cho NLĐ. Thực tế, Công đoàn hoan nghênh các chủ DN tại các DN có chế độ phúc lợi cao hơn, có lợi hơn cho NLĐ. Đối với DN khó khăn, ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã thiết kế điều khoản mới so với luật cũ là quy định cụ thể điều kiện miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí Công đoàn. 

Hài hòa trong việc quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn

Điều 31 dự thảo luật đã bổ sung quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn. Cùng với đó, rà soát nhiệm vụ chi kinh phí Công đoàn để bảo đảm bao quát và đầy đủ hơn. Không quy định trong luật việc phân phối kinh phí Công đoàn khi có nhiều tổ chức đại diện của NLĐ để bảo đảm linh hoạt, hài hòa. Dự thảo cũng bổ sung quy định "Sau khi thống nhất với Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam quy định tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu, phân cấp thu, phân phối và quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Công đoàn".

Dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, sử dụng kinh phí Công đoàn của tổ chức của NLĐ tại DN.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo