Nhiều doanh nghiệp, các tập đoàn lớn đang âm thầm rót tiền đầu tư vào những lĩnh vực không phải sở trường sau khi khẳng định được vị thế trên thương trường.
Theo các công ty nghiên cứu thị trường, bánh kẹo, mì gói, dầu ăn, đồ uống (bao gồm nước giải khát, cà phê)… là những lĩnh vực tăng trưởng tốt và đầy hấp dẫn với nhà đầu tư. Các doanh nghiệp (DN) chọn đầu tư vào những lĩnh vực này trên cơ sở nhìn thấy cơ hội phát triển, giúp tăng doanh thu trong tương lai.
Lấn sân
Sau khi thành công và xác lập được vị thế vững chắc, một số DN đã lấn sân sang các lĩnh vực khác. Chẳng hạn, Masan Consumer chi ra số tiền lớn để nắm cổ phần chi phối tại Công ty CP Vinacafé Biên Hòa (53,2%), Công ty CP Nước khoáng Vĩnh Hảo (63,5%) và được đồn đoán là đã mua cổ phần của Công ty CP Bia và Nước giải khát Phú Yên.
Mới đây, thông tin Masan muốn mua cổ phần Công ty Dầu thực vật Tường An (TAC) đã đẩy giá cổ phiếu TAC tăng đến 80%. HĐQT Masan Consumer đã quyết định thành lập công ty con Masan Beverage, trước mắt để nắm cổ phần tại Vinacafé Biên Hòa và Vĩnh Hảo.
Tại đại hội cổ đông năm 2013, ông Trần Lệ Nguyên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kinh Đô, tiết lộ kế hoạch thâu tóm, mua lại các đơn vị có tiềm năng về dầu ăn, mì gói, nước chấm. Theo ông Nguyên, ngành bánh kẹo tăng trưởng hơn 10%/năm, các DN đã định vị thị phần khá vững chắc nên muốn đẩy mức tăng trưởng lên 20%-30%, Kinh Đô phải vươn ra ngoài phạm vi bánh kẹo.
Mục tiêu này đã được Kinh Đô hiện thực hóa bằng việc bắt tay với Sài Gòn Vewong (100% vốn Đài Loan) - đơn vị sở hữu nhãn mì A One - làm mì gói. Theo kế hoạch, Sài Gòn Vewong sẽ gia công sản xuất mì gói, cháo, phở cho Kinh Đô và ngược lại, Kinh Đô giúp Sài Gòn Vewong phân phối các sản phẩm gia vị, bột nêm.
Hiện Kinh Đô đang chọn thời điểm để công bố sản phẩm của sự hợp tác này, dự kiến khoảng quý III/2014 sẽ tung ra thị trường. Song song đó, Kinh Đô cũng có tham vọng lấn sân sang lĩnh vực cà phê và dầu ăn thông qua sự hợp tác với 2 DN trong nước thuộc lĩnh vực này.
Mới đây, Công ty CP Vinacafé Biên Hòa đã thông báo việc lấy ý kiến cổ đông để bổ sung ngành nghề kinh doanh, trong đó có kinh doanh sữa, thức ăn cho trẻ em và sản xuất bánh kẹo. Với kế hoạch này, Vinacafé Biên Hòa sẽ thâm nhập vào sản xuất, bán buôn, bán lẻ đồ ăn dinh dưỡng, sữa và thực phẩm dinh dưỡng, thức ăn cho trẻ nhỏ; sữa tách bơ, sản phẩm cô đặc nhân tạo; ca cao, sô-cô-la, mứt, kẹo.
Cơ hội nào cho kẻ đến sau?
Ông Nguyễn Trung Thẳng, Chủ tịch Viện Marketing và Quản trị Việt Nam, cho rằng áp lực tăng trưởng buộc các DN phải vươn ra khỏi lĩnh vực của mình. Tăng trưởng trong ngành là tăng trưởng hữu cơ và có giới hạn. DN ngành bánh kẹo đầu tư sản xuất mì gói, dầu ăn hay DN nước chấm, mì gói đầu tư vào nước giải khát, cà phê… là đầu tư vào những ngành gần, cùng chung lĩnh vực thực phẩm nên rủi ro ít hơn so với đầu tư vào các ngành xa như bất động sản, tài chính.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, ngành hàng đồ uống, mì gói, bánh kẹo, thực phẩm… đã định vị những đại gia chia nhau thị phần chính, các “tân binh” rất khó xen vào chia sẻ thị phần. Chẳng hạn, Masan thống lĩnh thị trường nước chấm nhưng khi đặt chân vào thị trường đồ uống chắc chắn sẽ không thể so sánh với Pepsi, Coca, Tân Hiệp Phát… Lĩnh vực mì gói thì đã có Vina Acecook, Asia Food và Masan chia nhau phần lớn thị trường.
Một thách thức nữa là khi đầu tư sang lĩnh vực khác, thương hiệu công ty sẽ bị pha loãng, làm giảm sức mạnh thương hiệu. Vì vậy, DN phải giải bài toán tăng trưởng, tìm nguồn thu mới phù hợp với thế mạnh đang có của mình.
Một số DN chọn giải pháp thuê nhân sự có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực cần đầu tư để giúp điều hành, quản lý và học hỏi, rút kinh nghiệm từ bài học của những DN đi trước, tận dụng hệ thống phân phối rộng lớn của mình để đẩy sản phẩm ra thị trường…
Mặc dù vậy, theo ông Nguyễn Trung Thẳng, giải pháp này chưa đủ để làm nên thành công cho DN bởi DN mới tham gia vào thị trường cần rất nhiều yếu tố để thành công, trong đó quan trọng nhất là văn hóa DN, sự khác biệt của sản phẩm và sự đón nhận của thị trường.
Kỳ tới: Đổ vốn vào nông nghiệp
Người tiêu dùng được lợi
Việt Nam đứng thứ 13 thế giới về dân số nên thị trường hàng tiêu dùng rất tiềm năng, rộng cửa cho các DN tham gia đa dạng hóa sản phẩm. Nói cách khác, vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các DN. Việc tận dụng cơ hội đó thế nào còn tùy vào tài lèo lái của lãnh đạo DN, sự khác biệt mà thương hiệu, sản phẩm đó mang lại cho người tiêu dùng.
Cuộc chiến sắp tới giữa các thương hiệu được dự báo sẽ khốc liệt với nhiều sản phẩm, chiêu trò mới. Trong cuộc cạnh tranh này, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi vì có cơ hội thử các sản phẩm mới và tiêu dùng sản phẩm với giá cả hợp lý hơn.
Bình luận (0)