Sự kiện Tập đoàn Berli Jucker (BJC) - Thái Lan mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam được xem như một bước tiến mới của các nhà bán lẻ Thái trong kế hoạch chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
“Đại gia” Thái vào cuộc
Trước thương vụ với Metro, BJC đã thâm nhập Việt Nam thông qua việc mở nhà máy sản xuất chai thủy tinh, lon đựng đồ uống. Tập đoàn này cũng nắm cổ phần chi phối tại Công ty Thái An - nhà phân phối, xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng tại miền Nam và hãng giấy Cellox, Công ty Sản xuất đậu phụ Inchiban.
Trước đó, tháng 6-2013, BJC đã mua lại hệ thống 42 cửa hàng Family Mart tại Việt Nam (sau khi đối tác Nhật Bản rút khỏi liên doanh với Tập đoàn Phú Thái) và đổi tên thành B’mart. Hồi đầu năm nay, nhà bán lẻ hàng đầu Thái Lan, Tập đoàn Central, đã khai trương trung tâm Thương mại Robins tại Hà Nội và đang chuẩn bị đưa vào hoạt động trung tâm thứ 2 tại Crescent Mall tháng 11 này. Theo giới chuyên môn, chắc chắn sự góp mặt của các tập đoàn bán lẻ ngay trong khu vực sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh lên các nhà bán lẻ khác.
Vài năm trở lại đây, hàng Thái xuất hiện ngày càng nhiều tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… Đặc biệt, nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh hàng Thái đã ra đời, thu hút được sự quan tâm của một bộ phận cư dân thành thị. Đến nay, có trên 300 dự án đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 6,5 tỉ USD, đứng thứ 10 trong tổng số 101 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và thứ 2 trong số các nước ASEAN đầu tư vào Việt Nam; tập trung vào các lĩnh vực vật liệu xây dựng, xây dựng, thực phẩm và bán lẻ.
Mối lo chiếm lĩnh thị trường
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam - cho biết hàng Thái đã thâm nhập thị trường Việt Nam cả chục năm nay thông qua các con đường du lịch, hội chợ hàng Thái, tiểu ngạch… Phân phối chỉ là khâu cuối cùng để hàng Thái bám rễ tại Việt Nam.
“Hiện nay, trong mỗi gia đình người Việt đều có 1-2 món hàng Thái Lan. Thói quen, thị hiếu tiêu dùng của người Thái và người Việt có nhiều điểm tương đồng nên nếu hàng Thái theo chân các tập đoàn bán lẻ đổ bộ vào Việt Nam sẽ tạo áp lực cạnh tranh lớn. Hàng Thái có chất lượng tốt, năng suất sản xuất cao gấp rưỡi, gấp đôi Việt Nam nên giá thành thấp hơn. Nguy cơ nếu hàng Thái tràn vào nhiều hơn sẽ làm cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất, bán lẻ Việt Nam chao đảo” - ông Phú lo ngại.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng mối lo hàng Thái chiếm lĩnh thị trường là có cơ sở bởi nó đã trụ vững tại thị trường Việt Nam từ lâu, được người tiêu dùng ưa chuộng. Đến nay, các nhà bán lẻ Thái Lan thông qua hệ thống phân phối đẩy mạnh hàng Thái chính ngạch vào Việt Nam, điển hình là tại B’mart có đến 60%-70% hàng hóa xuất xứ từ Thái Lan.
Đừng vội bi quan
Theo các DN bán lẻ, tình hình không quá đáng ngại như vậy. Ông Phạm Hữu Nghị, Giám đốc marketing hệ thống Lotte Mart, cho rằng BJC có thế mạnh là một tập đoàn bán lẻ lớn của Thái Lan nhưng nếu tiếp quản Metro, chuyển đổi từ mô hình bán sỉ sang bán lẻ, sẽ mất thời gian và đối mặt với một số thách thức lớn: mô hình kinh doanh, đối tượng khách hàng, chủng loại hàng hóa bán sỉ và bán lẻ khác nhau...
Việc BJC tận dụng hệ thống Metro để đưa hàng Thái vào Việt Nam không phải là vấn đề quá lo ngại vì hàng Thái chủ yếu mạnh về bánh kẹo, hàng tiêu dùng. Nói cách khác, BJC cần nỗ lực lớn và thời gian dài để định vị thương hiệu trên thị trường Việt Nam vốn đã có nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh, đã xác lập thương hiệu, thị phần vững vàng như Co.opmart, Big C...
Đại diện ban lãnh đạo một hệ thống siêu thị lớn tại TP HCM cũng cho rằng sự xuất hiện của hệ thống siêu thị phân phối của DN Thái sẽ tạo điều kiện cho hàng Thái vào Việt Nam theo đường chính thống, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và qua hệ thống phân phối của Metro sẽ đẩy hàng Thái ra thị trường nhiều hơn, được người tiêu dùng chấp nhận dễ dàng hơn.
Mặc dù vậy, tỉ lệ tiêu dùng hàng Thái trên thị trường sẽ không tăng đột biến, không đủ để tạo nên “cơn lốc” chiếm lĩnh thị trường hoặc nguy cơ cho nhà sản xuất Việt. “Áp lực chắc chắn sẽ gia tăng nhưng đó cũng là động lực cho DN Việt Nam nâng cao chất lượng, giảm giá thành để tăng khả năng cạnh tranh” - vị này nói.
Tuân thủ cam kết bán hàng Việt
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa, hiện các nhà bán lẻ ngoại xin cấp phép đầu tư vào Việt Nam đều phải kèm theo cam kết bán hàng sản xuất tại Việt Nam chiếm 80% - 90% lượng hàng bán trong siêu thị, hệ thống.
Với cam kết này, khi tiếp quản Metro, chắc chắn BJC cũng phải tuân thủ đúng các quy định về cấp phép đầu tư, phương thức hoạt động, hàng Thái khó có cơ hội “ồ ạt” vào Việt Nam thông qua hệ thống 19 trung tâm Metro. Song song đó, BJC chủ yếu mạnh ở lĩnh vực sản xuất, phân phối bán hàng quy mô nhỏ (cửa hàng tiện lợi) nên không thể một sớm một chiều lớn mạnh ở lĩnh vực phân phối bán sỉ.
Kỳ tới: Liên kết để chống đỡ
Bình luận (0)