xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Năng suất lao động của TP HCM tăng chậm, vì sao?

Bài và ảnh: TRUNG NAM

Nhiều chuyên gia cho rằng TP HCM cần đưa mục tiêu tăng năng suất lao động lên hàng đầu khi xác định phát triển kinh tế địa phương

Trong Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2023-2025 và tầm nhìn đến 2030, thành phố đã xác định những mục tiêu quan trọng về tỉ lệ lao động qua đào tạo, tăng năng suất lao động (NSLĐ). Đáng chú ý, chiến lược nhấn mạnh đến việc cải thiện NSLĐ từ phía doanh nghiệp (DN), người lao động (NLĐ) là một trong những trụ cột quan trọng nhất.

Nhận diện nghịch lý

Trong những năm qua, thách thức lớn của TP HCM là NSLĐ xã hội tăng trưởng chậm hơn so với cả nước. Giai đoạn 2011-2015, NSLĐ thành phố tăng 4,42%/năm, trong khi NSLĐ bình quân của cả nước tăng 4,53%. Giai đoạn 2016-2022, NSLĐ của thành phố chỉ tăng 4,23%/năm, thấp hơn khá nhiều so với bình quân của cả nước tăng 6,71% trong giai đoạn này.

Một nghịch lý khác đang diễn ra tại thị trường lao động TP HCM, đó là lực lượng lao động đã qua đào tạo chiếm tỉ lệ rất cao nhưng NSLĐ tăng khá chậm như phân tích ở trên. Số liệu từ Cục Thống kê TP HCM cho thấy đến hết quý I/2024, số lượng lao động đã qua đào tạo của thành phố chiếm hơn 87,3% tổng số lao động đang làm việc với 4.269.796 người. Trong đó, bậc đại học chiếm cao nhất với 87% tổng số lao động qua đào tạo, cao đẳng chiếm 7% và bậc trung cấp là 6%.

Cũng cần nhận diện những điểm yếu cố hữu của thành phố như chi phí và mức sống khá cao so với thu nhập; chênh lệch về kỹ năng lao động còn ở mức cao; chưa khắc phục hoàn toàn nghịch lý thừa lao động, không phù hợp với những ngành nghề trong định hướng phát triển nhưng lại rất thiếu nhân lực chất lượng cao ở những ngành quan trọng; áp lực từ dân số đông, mật độ dân số cao; sử dụng nguồn nhân lực chưa hiệu quả và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu.

TP HCM là trung tâm kinh tế của cả nước, hằng năm thu hút lượng lớn nhân lực chất lượng cao từ các tỉnh, thành đến làm việc, chưa kể mỗi năm có hơn 30.000 lao động người nước ngoài đăng ký làm việc tại đây. Do vậy, Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TP HCM giai đoạn 2023-2025 và tầm nhìn đến 2030 đề ra mục tiêu cụ thể về tốc độ tăng NSLĐ xã hội hằng năm đạt 7%/năm, chỉ số lao động có kiến thức chuyên môn trong Chỉ số đổi mới, sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu.

Nguyên nhân

Ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, cho biết NSLĐ quốc gia là thước đo hoạt động về kinh tế của một quốc gia, được tính bằng tổng giá trị GDP chia cho tổng số lao động có việc làm trong năm. NSLĐ của một địa phương cũng được tính tương tự.

Cơ cấu ngành công nghiệp của TP HCM còn dựa nhiều vào các ngành thâm dụng lao động có hàm lượng khoa học - công nghệ thấp. Bốn nhóm ngành có đóng góp cao nhất là điện tử, may mặc và da giày, chế biến thực phẩm. Điều này trở nên bất lợi trong đánh giá NSLĐ của TP HCM khi lực lượng lao động phi chính thức còn khá lớn và những ngành thâm dụng lao động đang có mặt tại đây cũng rất nhiều.

Nâng tầm lực lượng lao động để tăng năng suất lao động của TP HCM

Nâng tầm lực lượng lao động để tăng năng suất lao động của TP HCM

Chẳng hạn như ngành dệt may của thành phố có số lượng lao động đang làm việc khá lớn nhưng đa số làm gia công. Vì vậy, giá thành sản phẩm không cao nên dù công nhân làm hết sức thì thu nhập cũng ở mức thấp. Nhiều năm nay, giá thành gia công sản phẩm vẫn chưa tăng trong khi tay nghề của NLĐ Việt Nam được đánh giá cao và được nhiều nhãn hàng lớn đặt.

"Chúng ta phần lớn dừng ở công đoạn cuối, tức là công đoạn gia công, lắp ráp và thay thế sản phẩm nên chi phí thấp nhất trong chuỗi giá trị của những ngành đó. Vì vậy, mức thu nhập của NLĐ rất khó tăng. Trong khi chi phí của các đơn hàng quốc tế luôn ở mức thấp mà chúng ta phải cạnh tranh với các thị trường khác để NLĐ có việc làm" - ông Triết đánh giá.

Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến NSLĐ của thành phố chưa cao như kỳ vọng. Khi nói về NSLĐ, thường chúng ta nghĩ đó là năng lực làm việc của NLĐ, nhưng thực ra nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không riêng gì năng lực tạo ra của cải vật chất của bản thân NLĐ. 

Đó là thể chế, chính sách lao động, tiền lương và đóng góp của ngành đó trong chuỗi giá trị kinh tế tổng thể. Ngay tại nơi NLĐ làm việc, cách tổ chức lao động, máy móc trang thiết bị, công nghệ như thế nào cũng là tác nhân ảnh hưởng đến NSLĐ. Cuối cùng là vai trò của NLĐ, gồm trình độ tay nghề cao hay thấp, được đào tạo hay không... cũng liên quan trực tiếp đến NSLĐ.

Đầu tư công nghệ, nâng chất nguồn nhân lực

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng thành phố cần đẩy mạnh cải cách thể chế và thu hút nhiều hơn nguồn lực từ bên ngoài. Tận dụng triệt để và ứng dụng linh hoạt Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội dành riêng cho TP HCM.

Đặc biệt, làm sao để các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi vào đầu tư tại TP HCM nói riêng hay cả nước nói chung phải có lộ trình chuyển giao công nghệ, liên doanh với các DN nội địa để dần xóa bỏ cụm từ "làm gia công", đưa các DN của Việt Nam làm chủ công nghệ. Từ đó, nâng được chất lượng nguồn nhân lực và tạo động lực thúc đẩy tăng NSLĐ.

Thành phố cần có chính sách để xây dựng hệ sinh thái các DN nhỏ và siêu nhỏ tạo thành một hệ thống liên kết chặt chẽ để tạo ra nhiều giá trị hơn trong các hoạt động kinh tế. "Trong đó, đẩy mạnh đầu tư về công nghệ, công nghệ mới và có chiến lược đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu đổi mới của thị trường lao động" - PGS-TS Nguyễn Hữu Huân đề xuất.

Theo ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM, có rất nhiều việc cần làm để tăng NSLĐ, chẳng hạn như tiếp tục chuyển đổi khu vực lao động nông thôn sang đô thị, chuyển đổi nông nghiệp sang công nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất - kinh doanh. Trong đó, có 2 giải pháp có thể tập trung và ưu tiên.

Đầu tiên là tăng cường đào tạo kỹ năng, nâng cao trình độ, nhất là chăm lo sức khỏe, đời sống tinh thần cho NLĐ. Việc này không chỉ trông đợi sự hỗ trợ của Chính phủ và tổ chức Công đoàn, mà các DN cũng phải nhận thấy lợi ích của việc nâng cao NSLĐ để chủ động đào tạo cho lao động của mình. Tiếp đến là bảo đảm hệ thống an sinh xã hội cho NLĐ ngay từ trong môi trường lao động đến các vấn đề bên ngoài môi trường làm việc, như: nhà ở, giao thông, trường học...

Bên cạnh đó, giảm giờ làm để tạo điều kiện cho NLĐ học tập, giải trí, có cơ hội nâng cao kiến thức, kinh nghiệm... Có làm được như vậy thì NLĐ mới yên tâm sản xuất, nâng cao NSLĐ. DN cần bảo đảm mức lương cao cho NLĐ. Phải có thu nhập đủ sống, có tích lũy cho tương lai thì họ mới hăng say làm việc, mới có sáng tạo, mới nỗ lực tạo ra giá trị nhưng đây cũng là thách thức lớn trong bối cảnh hiện nay. 

Cơ chế chính sách TP HCM có nhiều đổi mới nhưng vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển. Đa số DN của thành phố là DN nhỏ và siêu nhỏ nên việc áp dụng, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất kinh - doanh còn hạn chế, từ đó cũng ảnh hưởng đến NSLĐ" - PGS-TS Nguyễn Hữu Huân nói.

Mức tăng thấp so với khu vực

Theo Tổng cục Thống kê, NSLĐ của cả nước năm 2023 đạt 199,3 triệu đồng/lao động (tương đương 8.380 USD, tăng 274 USD so với năm 2022). Bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng NSLĐ của toàn nền kinh tế đạt 5,29%. Tuy nhiên, mức tăng NSLĐ của Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. NSLĐ của Việt Nam năm 2022 đạt 20.400 USD, chỉ bằng 11,4% mức NSLĐ của Singapore; 35,4% của Malaysia; 64,8% của Thái Lan; 79% của Indonesia và bằng 94,5% của Philippines; tương đương mức năng suất lao động của Lào (20.000 USD).

So với các nền kinh tế phát triển có quy mô lớn, NSLĐ của Việt Nam bằng 15,4% của Mỹ; 19,1% của Pháp; 21,6% của Anh; 24,7% của Hàn Quốc; 26,3% của Nhật Bản và 59% của Trung Quốc.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo