Không phải mọi cuộc chia tay giữa doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) đều diễn ra công khai hay thẳng thắn. "Sa thải trong im lặng" - cách loại bỏ ngầm đầy tinh vi, đang âm thầm đẩy nhiều NLĐ vào thế bị động và tổn thương.
Bất an và chán nản
Anh Hoàng Trọng Tiến, nhân viên (NV) kế toán tại một công ty công nghệ ở TP Thủ Đức, TP HCM, đã có hơn 5 năm cống hiến và đạt được nhiều thành tích xuất sắc. Nhưng 3 tháng gần đây, khối lượng công việc của anh giảm mạnh.
Anh Tiến cho biết thay vì tham gia các báo cáo tài chính quan trọng hay dự án lớn, hiện anh chỉ được giao các nhiệm vụ nhỏ và không còn được dự các cuộc họp chiến lược với ban giám đốc, dù trước đây anh luôn là thành viên chủ chốt. Điều này khiến anh lo lắng về tương lai công việc, nghi ngờ công ty đang âm thầm chuẩn bị loại bỏ anh mà không thông báo rõ ràng.
"Những thay đổi này khiến tôi hoài nghi về tương lai tại công ty. Cảm giác bị bỏ lại, thiếu tin tưởng và hỗ trợ khiến tôi tự hỏi liệu mình có thể tiếp tục gắn bó lâu dài hay không. Sự việc diễn ra vào thời điểm cuối năm, khi gánh nặng tài chính gia đình đang dồn lên vai, khiến tôi cảm thấy bất an" - anh Tiến bày tỏ.
Còn chị Nguyễn Hồng Thanh, chuyên viên marketing tại một công ty ở quận 4, TP HCM, dù là một NV xuất sắc nhưng chị cảm thấy công việc ngày càng bị cô lập và thiếu sự công nhận. Các ý tưởng sáng tạo của chị thường xuyên bị bỏ qua, trong khi các nhiệm vụ quan trọng lại được giao cho đồng nghiệp ít kinh nghiệm hơn. "Điều này khiến tôi nghi ngờ về vị trí của mình, nhất là khi công ty đang trong giai đoạn chuyển giao quan trọng. Tôi cảm thấy như mình không còn giá trị và bị bỏ lại phía sau" - chị Thanh tâm sự.
Anh Trần Bá Duy, NV kinh doanh tại một công ty bất động sản ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Sau một quý khó khăn với doanh số bán hàng không đạt kỳ vọng, anh cảm thấy bị cô lập và thiếu sự hỗ trợ từ công ty. Các cuộc trao đổi công việc với quản lý ngày càng ít, thêm vào đó, anh không còn được phân công chăm sóc khách hàng tiềm năng, khiến anh cảm thấy đang tụt lại phía sau. Cảm giác bị bỏ rơi khiến anh Duy bất an về triển vọng nghề nghiệp và khả năng phát triển tại công ty.
Thiệt cả đôi đường
Theo bà Phạm Lan Khanh, CEO Công ty CP Truyền thông số Flamingo (quận 1, TP HCM), "sa thải trong im lặng" là một hình thức giảm nhân sự mà DN thực hiện không thông báo công khai, nhằm tái cơ cấu tổ chức hoặc thay đổi chiến lược kinh doanh.
Điều này có thể giúp DN tiết kiệm thời gian và chi phí, nhưng nó lại gây ra tác động khó nhận diện, NV không có cơ hội chuẩn bị tâm lý. Từ đó, sẽ dẫn tới những hệ lụy sâu rộng đối với NLĐ, gia đình, xã hội và DN. Về mặt tâm lý, NLĐ thường rơi vào trạng thái mất tự tin, lo âu và stress dẫn đến những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tinh thần.
Đối với DN, sa thải ngầm không chỉ làm tổn hại hình ảnh thương hiệu mà còn giảm lòng tin, sự trung thành của NV và hiệu quả công việc. "Để bảo vệ tất cả các bên và duy trì sự phát triển bền vững, các quyết định sa thải cần được thực hiện công bằng, minh bạch" - bà Khanh nhấn mạnh.
Ông Đoàn Hữu Hiển, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Vận chuyển Du lịch Sao Vàng (quận Phú Nhuận, TP HCM), cho rằng cuối năm là thời điểm nhạy cảm đối với NV, khi họ thường đánh giá lại công việc, tài chính và mong đợi các phúc lợi như thưởng Tết, chế độ đãi ngộ, cơ hội thăng tiến. Các quyết định cắt giảm nhân sự vào thời điểm này sẽ tạo ra cảm giác bất an về tâm lý và sự gắn kết của NLĐ đối với DN.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực cho NV, DN cần ứng xử tế nhị và thấu hiểu. Việc truyền đạt thông tin về các thay đổi cần rõ ràng, minh bạch và kịp thời, không nên để NLĐ rơi vào tình trạng lo lắng và bất an. Ngoài ra, tổ chức các buổi gặp gỡ trực tiếp với NV để lắng nghe ý kiến và cảm xúc của họ là một cách quan trọng để duy trì sự gắn kết và niềm tin.
Trong trường hợp phải thực hiện cắt giảm nhân sự, DN phải bảo đảm sự công bằng, cùng với các biện pháp hỗ trợ hợp lý cho những người bị ảnh hưởng. "Điều này không chỉ giúp NV cảm thấy được tôn trọng, mà còn tạo cơ hội để họ nhìn nhận sự thay đổi như một bước tiến trong sự nghiệp, dù trong môi trường mới hay trong giai đoạn tiếp theo của công ty" - ông Hiển nói.
Duy trì mối quan hệ tốt đẹp
Theo bà Lương Tú Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH NodeX Asia (quận 1, TP HCM), nhằm giảm thiểu cảm giác tổn thương và duy trì mối quan hệ tốt đẹp, DN cần giúp NLĐ nhận ra các cơ hội phát triển trong tương lai. Bởi vì, khi cảm thấy vẫn có thể trưởng thành và thăng tiến, họ sẽ có động lực gắn bó lâu dài, từ đó góp phần củng cố sự ổn định và phát triển bền vững của DN.
Bình luận (0)