Nhu cầu của các nhà đầu tư trên, gần đây, lại tăng mạnh, khiến thị trường cung không đủ cầu.
Nguồn cung còn hạn chế
Theo báo cáo của Adecco Việt Nam, trong quý III/2024 nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh trong ngành sản xuất và chế tạo (tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 52% so với quý trước).
Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Giám đốc Dịch vụ tư vấn tuyển dụng khu vực Hà Nội của Adecco Việt Nam, cho biết sự tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào nhu cầu xuất khẩu cao và dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào, nhất là trong các ngành điện tử, dệt may và năng lượng tái tạo. Khu vực phía Bắc đã trở thành tâm điểm thu hút FDI, với các công ty Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) mở rộng sản xuất trong lĩnh vực bán dẫn và điện tử. Do đó, vai trò của Việt Nam như một trung tâm nghiên cứu, phát triển và sản xuất.
"Chúng tôi ghi nhận nhu cầu ngày càng tăng cho các vị trí chuyên môn như trưởng bộ phận sản xuất, quản lý chất lượng và quản lý chuỗi cung ứng, đặc biệt là những ứng viên có kỹ năng tiếng Trung" - bà Phương nói. Không riêng gì ngành sản xuất, ngành tài chính - ngân hàng cũng có nhu cầu cao đối với các chuyên gia biết tiếng Trung với những vị trí quản lý đầu tư, quan hệ khách hàng và thu hồi công nợ...
Navigos Search cho biết các doanh nghiệp (DN) sản xuất có vốn đầu tư Trung Quốc với xu hướng dịch chuyển và mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Vì vậy, nhu cầu nhân lực ngày một lớn. Tuy nhiên, các DN này đòi hỏi nguồn nhân lực phải đa dạng về kỹ năng và kinh nghiệm để duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và nhất là sử dụng được tiếng Trung.
"Hiện nay, do nhu cầu tuyển dụng ứng viên nói tiếng Trung tăng cao tại các DN Trung Quốc dẫn tới nguồn cung ứng viên bị hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, các DN ưu tiên tuyển dụng một số vị trí quan trọng biết nói tiếng Trung và sử dụng đội ngũ phiên dịch hỗ trợ thêm" - bà Trần Thị Hoàn, Phó Giám đốc tuyển dụng khu vực miền Bắc của Navigos Search, đánh giá.
Navigos Search khuyến nghị người lao động (NLĐ) cần cân nhắc đầu tư cho tiếng Trung vì nhu cầu nhân sự thông thạo tiếng Trung ngày một tăng, đây sẽ là yếu tố giúp NLĐ nổi bật lên khi tìm việc. Song, việc thông thạo tiếng Trung không chỉ dừng lại ở khả năng giao tiếp cơ bản mà còn cần kỹ năng viết và hiểu biết văn hóa Trung Quốc, xu hướng kinh doanh và thị trường của Trung Quốc.
Không lo thất nghiệp
Chưa tốt nghiệp đã có việc làm không còn là chuyện hiếm thấy đối với sinh viên (SV) học ngoại ngữ. Tiếng Nhật đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn bởi cơ hội việc làm ngày càng lớn.
SV Ngô Thu Hồng (22 tuổi, quê Đắk Lắk) cho biết đã có công việc đúng chuyên ngành từ cuối năm 3. Hồng nhận biên dịch giấy tờ từ tiếng Việt sang tiếng Nhật và ngược lại cho một DN dịch vụ của Nhật Bản tại TP HCM. "Họ trả theo đầu việc nên trung bình thu nhập từ 10-15 triệu đồng/tháng. Công ty sẽ nhận làm chính thức khi tôi tốt nghiệp, với mức thu nhập có thể gấp đôi" - Hồng bộc bạch.
Tại ngày hội kết nối việc làm Nhật Bản (Japan Job Fair 2024) vừa được Trường ĐH Mở TP HCM tổ chức, 22 DN lớn như Techno Pro, Katsura Việt Nam, Tagger Travel, DataX, Nippon Express, Việt Nam Camcom… mang đến hàng trăm cơ hội việc làm dành cho SV biết tiếng Nhật. Lãnh đạo nhà trường cho biết tỉ lệ SV ngành Ngôn ngữ Nhật của trường có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt 100%, đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường lao động trong nước và ra nước ngoài làm việc.
Ông Hayashida, đại diện Công ty Camcom, tham gia ngày hội đánh giá cao chất lượng SV được đào tạo tại Trường ĐH Mở TP HCM và tin tưởng trong tương lai, đội ngũ nhân lực nói được tiếng Nhật sẽ phát triển mạnh mẽ. Theo ông Hayashida, các DN Nhật Bản đầu tư và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam ngày càng gia tăng nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự biết tiếng Nhật cũng tăng theo. Bên cạnh chuyên môn, kỹ năng, tác phong thì khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật, hiểu biết văn hóa kinh doanh Nhật sẽ giúp ứng viên nổi bật và được trao cơ hội nghề nghiệp tốt hơn.
Hiện ứng viên sử dụng được tiếng Hàn cũng được các DN săn đón. Đại diện Công ty CP K-Beauty Worldwide Việt Nam, cho biết không chỉ những tập đoàn lớn, các DN vừa và nhỏ của Hàn Quốc cũng đang mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Kéo theo đó là nhu cầu nhân sự biết tiếng Hàn gia tăng.
Ngoài yêu cầu sử dụng thành thạo tiếng Hàn, nhiều DN còn quan tâm sự hiểu biết của ứng viên về văn hóa Hàn Quốc, khả năng thích nghi với môi trường kinh doanh, làm việc sử dụng tiếng Hàn... Nhu cầu cũng khá đa dạng từ nhân viên đến quản lý. Vì vậy, cơ hội rất rộng mở với nhân sự biết tiếng Hàn.
Thị trường lao động dần quốc tế hóa
Ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Giám đốc toàn quốc Dịch vụ tư vấn tuyển dụng của Adecco Việt Nam, khẳng định NLĐ biết bất cứ một ngoại ngữ nào cũng đều không lo thiếu việc làm. Bởi kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, thu hút đầu tư nước ngoài lớn, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng khiến thị trường lao động cũng dần quốc tế hóa. Bên cạnh tiếng Anh, những ngoại ngữ khác cũng hiện diện ngày một nhiều trong môi trường kinh doanh tại Việt Nam và đó là cơ hội cho những ai biết một hoặc nhiều ngoại ngữ.
Bình luận (0)