Trước Lê Quý Đôn tầm 3 thế kỷ, trong bia tiến sĩ đầu tiên khoa Nhâm Tuất (1442) dựng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Thân Nhân Trung đã biên: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn...".
Vì cần nhân tài và trọng nhân tài nên quốc gia và các địa phương luôn tìm cách chiêu hiền đãi sĩ. Lịch sử Việt Nam từ cổ chí kim cho thấy nhân tài đa phần đều được hậu đãi.
Chiêu mộ nhân tài thế nào? Mỗi nơi làm một cách nhưng tựu trung ở chính sách cốt lõi: trải thảm đỏ.
Mới đây, UBND TP HCM phê duyệt Đề án thu hút và phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đối với lĩnh vực TP có nhu cầu giai đoạn 2018-2022. Mục tiêu của đề án 5 năm này là xây dựng chính sách đột phá về thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đã được đào tạo, rèn luyện trong các môi trường ngoài khu vực công để bổ sung, tăng cường cho các cơ quan, đơn vị đang triển khai thực hiện những nhiệm vụ, chương trình trọng điểm…
Để biến mục tiêu thành hiện thực, chính sách đãi ngộ về nhà ở, tiền lương, thuế thu nhập, thù lao công trình/dự án… khá hấp dẫn. Rõ ràng, "có thực mới vực được đạo" là thỏi nam châm đầu tiên tỏa sức hút nhân tài từ nhiều khu vực khác về với khu vực công và từ nhiều vùng - miền, quốc gia - vùng lãnh thổ khác về với thành phố đầu tàu này.
Nhưng tiền nhiều chưa hẳn quyết định được mọi sự. Cần nhớ, hồi năm 2014, TP HCM từng có chính sách trả lương lên tới 150 triệu đồng/tháng cho chuyên gia, nhà khoa học nhưng trong 4 năm (2014-2017), TP chỉ thu hút được 15 chuyên gia, đến nay khoảng 10 người đang còn ở lại công tác. Điều đó chứng minh rằng khi triển khai đề án nhân tài lần này, TP phải thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp khác nữa, quyết liệt và đồng bộ; trong đó dứt khoát phải khắc phục cho được sự rườm rà, nhiêu khê về thủ tục mà bất cứ ai mới nhìn vào đã thấy nản lòng.
Nhìn rộng ra các tỉnh - thành khác, thấy chính sách thu hút nhân tài cơ bản giống nhau, tương tự như chính sách ưu đãi đầu tư vậy! Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Dương, Bạc Liêu, Đà Nẵng… không chỉ nỗ lực thu hút mà còn cố gắng cầm chân người tài. Nhưng rồi tình trạng chảy máu chất xám vẫn diễn ra, không phải cá biệt mà trên diện rộng. Gay gắt nhất có thể nói là Đà Nẵng. Đề án thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao được địa phương này thực hiện đã gần 15 năm, rất nhiều học viên được cho đi đào tạo về phải bỏ đề án, chấp nhận đền tiền hoặc bị kiện ra tòa chỉ cốt được rời khu vực công, ra làm cho tư nhân hoặc nước ngoài. Tại buổi đối thoại với chính quyền cách đây 10 ngày, một số người thuộc diện đề án đã nêu nhiều bất cập, mạnh miệng "cáo buộc" chính quyền bạc đãi nhân tài…
Nói một đằng, làm một nẻo thì trước sau gì nhân tài cũng dứt áo ra đi. Không dễ chinh phục người tài bằng tiền hay thật nhiều tiền mà cùng với đó phải là sự thực tâm của bên chiêu mộ.
Bình luận (0)