Sở hữu ngân sách tuyển dụng không dồi dào như các tập đoàn lớn, nhiều doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ (SME) buộc phải xoay xở bằng sự linh hoạt, môi trường làm việc gần gũi và cơ hội phát triển cho người lao động (NLĐ). Thực tế cho thấy, khi được đầu tư đúng cách, những "vũ khí mềm" sẽ trở thành lợi thế giúp DN giữ chân nhân sự giỏi, gắn bó lâu dài.
Nhiều thách thức nan giải
Ông Bùi Đoàn Chung, người sáng lập Cộng đồng Nghề nhân sự Việt Nam, đánh giá trong bức tranh chuyển động không ngừng của thị trường lao động hiện đại, các SME đang chịu áp lực lớn trong thu hút và giữ chân nhân sự chất lượng cao.

Khi chiến lược giữ chân nhân tài được xây dựng từ giá trị con người, SME có thể biến thách thức thành lợi thế
Họ phải cạnh tranh trực tiếp với các tập đoàn lớn và công ty đa quốc gia sở hữu lợi thế vượt trội về ngân sách, thương hiệu tuyển dụng, phúc lợi cũng như lộ trình phát triển nghề nghiệp rõ ràng cho NLĐ. Trong khi đó, SME thường bị giới hạn về nguồn lực tài chính, khó triển khai được các chính sách đãi ngộ tương xứng, như: lương thưởng cạnh tranh, bảo hiểm sức khỏe toàn diện, chế độ nghỉ phép linh hoạt hay chương trình đào tạo chuyên sâu.
Ngoài ra, nhiều SME thiếu đội ngũ chuyên trách về truyền thông nhân sự, thông tin tuyển dụng thường rời rạc... "Điều này khiến họ mất điểm trong mắt ứng viên, nhất là với nhóm lao động trẻ (LĐT) - những người thường đánh giá kỹ lưỡng về môi trường làm việc, văn hóa DN và giá trị nghề nghiệp trước khi đưa ra quyết định đầu quân" - ông Chung nhận xét.
Đồng quan điểm, bà Phạm Lan Khanh, CEO Công ty CP Truyền thông số Flamingo (quận 1, TP HCM), còn cho rằng ngay cả khi thành công trong việc tuyển dụng, SME vẫn đối mặt với những thách thức khác không kém phần nan giải. Trong đó, có thực trạng nhảy việc cao, nhất là ở nhóm nhân sự trẻ, bởi sự gắn bó lâu dài với một tổ chức không còn là ưu tiên hàng đầu của họ.
Theo bà Khanh, hiện LĐT có xu hướng dịch chuyển liên tục để tìm kiếm trải nghiệm mới, cơ hội phát triển bản thân, hoặc để tránh sự nhàm chán. Khi các nhu cầu được lắng nghe, công nhận, cơ hội học hỏi và thử thách không được đáp ứng, họ dễ dàng lựa chọn rời đi dù mới chỉ gắn bó trong thời gian ngắn.
"Tình trạng "tuyển nhanh - nghỉ sớm" sẽ khiến SME tiêu tốn chi phí tuyển dụng, thời gian đào tạo lại từ đầu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất vận hành và sự ổn định của tổ chức. Về lâu dài, điều này làm xói mòn văn hóa nội bộ, gây tâm lý hoang mang trong đội ngũ hiện tại và khiến DN khó xây dựng được tập thể gắn kết, kế thừa" - bà Khanh nêu thực tế.
Thay đổi để thích ứng
Ông Phạm Phú Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Netalink (quận 1), cho biết hiện nay thị trường lao động liên tục biến động, kéo theo sự thay đổi tâm lý và kỳ vọng của NLĐ, đặc biệt là nhóm LĐT. Bởi họ có kỹ năng công nghệ và mong muốn "đi làm để tìm thấy giá trị bản thân".
Ngoài cơ hội thăng tiến, họ còn quan tâm đến việc học hỏi, tham gia các dự án có ảnh hưởng, đồng thời chú trọng đến sức khỏe tinh thần, cân bằng cuộc sống và các hoạt động cộng đồng. Do vậy, một DN có văn hóa cởi mở, nơi nhân viên được lắng nghe, trao quyền và phát triển cá nhân, đang dần trở thành yếu tố quan trọng khi NLĐ lựa chọn nơi làm việc.
Một khảo sát gần đây cho thấy hơn 60% người trẻ sẵn sàng nghỉ việc nếu thiếu kết nối, hoặc động lực làm việc. "Trong bối cảnh cạnh tranh nhân sự ngày càng gay gắt, nhất là với khối SME, lương, thưởng là chưa đủ để giữ chân người tài. DN cần thay đổi để thích ứng, trong đó người quản lý trực tiếp cần đóng vai trò truyền cảm hứng, sự cởi mở và ghi nhận kịp thời từ lãnh đạo sẽ giúp nhân viên cảm thấy có giá trị và muốn gắn bó" - ông Lâm nói.
Ở góc độ công nghệ, ông Wilson Liêu, Chủ tịch Liên minh Phát triển Năng lực AI Việt Nam (AICA), nhận định trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra hướng đi mới cho các SME. Với khả năng phân tích dữ liệu mạnh mẽ, AI có thể cá nhân hóa trải nghiệm nhân viên từ đề xuất lộ trình phát triển, khóa học phù hợp đến chế độ đãi ngộ sát với nhu cầu. AI cũng hỗ trợ dự báo nguy cơ nghỉ việc, giúp DN có biện pháp can thiệp kịp thời, đồng thời làm cho quy trình tuyển dụng và đánh giá hiệu suất trở nên minh bạch, công bằng hơn.
"Trong điều kiện nguồn lực hạn chế, việc ứng dụng AI vào các hoạt động như đào tạo, khảo sát nội bộ hay trả lời câu hỏi thường gặp sẽ giúp SME tối ưu chi phí vận hành. Trong thời đại mà trải nghiệm cá nhân, phát triển dài hạn được đề cao, AI đang trở thành "trợ thủ" đắc lực giúp DN xây dựng đội ngũ gắn bó và phát triển bền vững" - ông Wilson Liêu nhấn mạnh.
Những chiến lược hiệu quả
Theo ông Phạm Phú Lâm, xây dựng văn hóa làm việc cởi mở sẽ giúp nhân viên trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo. Ngoài ra, các chương trình đào tạo nội bộ, cố vấn, học hỏi chéo hoặc luân chuyển vị trí đều là những chiến lược hiệu quả; xây dựng mô hình làm việc linh hoạt và quản lý theo mục tiêu sẽ giúp tăng hiệu suất, giảm căng thẳng cho NLĐ.
Bình luận (0)