Phóng viên: Thưa ông, thị trường lao động sau Tết Nguyên đán Ất Mùi có gì đáng chú ý?
- Ông Trần Anh Tuấn:
Dù ngành chế biến, sản xuất cần nhiều lao động bổ sung nhưng TP không xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Sau Tết Nguyên đán, dự kiến doanh nghiệp (DN) cần khoảng 23.000 lao động. Nhu cầu tuyển dụng tập trung nhiều nhất ở các nhóm ngành: dệt may - giày da, chế biến thực phẩm, nhựa - bao bì, xây dựng. Năm nay, DN ít quan tâm đến lao động phổ thông mà tập trung tuyển dụng công nhân bậc cao, chuyên viên kỹ thuật lành nghề.
Vậy DN cần làm gì để tránh tình trạng bị “săn” lao động kỹ thuật?
- Phần lớn DN đều muốn ổn định lực lượng lao động, nhất là lao động kỹ thuật; chỉ tuyển thêm người do mở rộng quy mô, bù đắp lao động… Do vậy, DN luôn trân trọng lao động có tay nghề, có nghiệp vụ, năng lực. Nếu đối với nhóm lao động cấp cao, môi trường làm việc là yếu tố không thể thiếu khi cống hiến thì lương, thưởng lại là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự gắn kết giữa lao động kỹ thuật với DN. Vì vậy trong thời gian tới, thu nhập vẫn là yếu tố hàng đầu giúp những DN cần lao động kỹ thuật, tay nghề cao giải bài toán khan hiếm nhân lực. Nói cách khác, mức lương hợp lý, chế độ thưởng - phạt công bằng sẽ giúp không ít DN kìm “chân” nhóm lao động này.
Nhiều ý kiến cho rằng môi trường làm việc của đội ngũ lao động kỹ thuật ít cạnh tranh hơn nhiều ngành nghề khác. Ông suy nghĩ như thế nào về nhận định trên?
- Đào thải cái cũ và tiếp nhận cái mới là quy luật trong mọi lĩnh vực. Tôi chỉ có thể khẳng định tâm lý và cách suy nghĩ của lao động kỹ thuật có thể đơn giản hơn một số thành phần khác. Tuy vậy, là đội ngũ tạo ra công nghệ, họ phải không ngừng tự nghiên cứu, học hỏi. Đơn cử, DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin luôn yêu cầu lập trình viên nâng cao trình độ để bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu. Sở dĩ nói môi trường làm việc của các chuyên viên kỹ thuật bình lặng là do phần lớn DN, kể cả DN nhà nước, trả lương theo năng lực khi sử dụng nhóm đối tượng này. Chịu áp lực từ người sử dụng lao động, công ty đối thủ, họ phải tập trung vào công việc hoặc yếu tố thúc đẩy việc cho ra thành phẩm và ít quan tâm đến sự việc diễn ra xung quanh môi trường làm việc.
Việc trả lương theo kết quả công việc có phải là nguyên nhân khiến nhóm lao động trên chỉ chú ý đến thu nhập mà quên cạnh tranh, bỏ qua môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến?
- Hiện nay, việc trả lương theo năng lực được nhiều DN áp dụng ở tất cả các vị trí công việc. Vì thu nhập, cơ hội thăng tiến, người lao động sẽ tự giác học tập, tận dụng cơ hội để nâng cao trình độ chuyên môn, khẳng định uy tín. Thực tế đã chứng minh không ít lãnh đạo của các tập đoàn kinh tế có xuất thân là chuyên viên, nhân viên kỹ thuật vẫn thành công khi đảm nhận chức danh quản lý. Điều này chứng tỏ môi trường cạnh tranh của đội ngũ lao động kỹ thuật cũng sôi động không kém các thành phần lao động khác.
Theo ông, lao động kỹ thuật cần thay đổi như thế nào để ứng phó với những chuyển biến của thị trường?
- Ngoài nhiệm vụ tích lũy kiến thức, nâng cao nghiệp vụ để đáp ứng nhu cầu của DN, người lao động nên rèn luyện thêm tính chủ động trong công việc cũng như các mối quan hệ trong DN và ngoài xã hội. Năng động, hòa mình với tập thể sẽ giúp lao động kỹ thuật có cơ hội thăng tiến cao hơn không ít lao động hoạt động ở lĩnh vực khác.
Cần nhiều lao động kỹ thuật
Theo thống kê của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, kỹ thuật công nghệ là nhóm ngành chiếm tỉ trọng cao nhất (35%) trong tổng nhu cầu nhân lực của TP, tương đương gần 70.900 vị trí việc làm mỗi năm. Theo đó, từ nay đến năm 2020, mỗi năm nhóm ngành điện tử - công nghệ thông tin cần 16.000 lao động; xây dựng - kiến trúc - môi trường cần 10.800 ứng viên; cơ khí và công nghệ nông - lâm thiếu hơn 16.000 lao động...
Bình luận (0)