“Con dâu tôi đang mang thai 5 tháng nhưng đột ngột bị công ty cho nghỉ việc. Khi tôi khiếu nại, chẳng những công ty không giải quyết mà còn thách thức đi kiện. Quá bức xúc, tôi gửi đơn đến các cơ quan chức năng của quận nhưng họ cũng chẳng bảo vệ quyền lợi cho con dâu tôi”. Đây là nội dung đơn phản ánh của bà L.K.H gửi đến Báo Người Lao Động mới đây.
Dính bẫy hù dọa
Con dâu bà H. là chị Nguyễn Kim Phượng, vốn là nhân viên tạp vụ của Công ty S.G (quận Bình Thạnh, TP HCM). Hợp đồng lao động (HĐLĐ) của chị Phượng có thời hạn từ tháng 2-2014 đến ngày 20-2-2016. Tuy nhiên, ngày 6-8-2015, chị nhận được thông báo công ty sẽ cắt giảm một số nhân viên, trong đó có chị. Công ty yêu cầu chị viết đơn xin nghỉ việc và ký vào giấy thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ để được bảo đảm quyền lợi. Nếu không làm theo, sau này công ty sẽ bố trí công việc nặng nề, áp lực cao để chị không thể hoàn thành và tự ý bỏ việc; khi đó sẽ chẳng được hưởng quyền lợi gì mà còn phải bồi thường cho công ty. “Do thiếu hiểu biết và lo sợ trước lời hù dọa của công ty, con dâu tôi đã ký tên vào bản thỏa thuận. Rõ ràng thỏa thuận được ký là do công ty đã hù dọa, ép buộc chứ đâu phải tự nguyện? Song tôi khiếu nại ở đâu, người ta cũng bảo tôi khiếu nại sai” - bà H. ấm ức.
Cũng cho rằng phải xin thôi việc là do bị công ty hù dọa nên chị Lý Kim Phấn - nhân viên quản lý vùng của một công ty chuyên sản xuất đồ lót nổi tiếng có trụ sở tại quận 1, TP HCM - định nộp đơn kiện. Song khi đến luật sư nhờ tư vấn, chị mới biết dù kiện cũng chẳng ích gì vì đơn xin thôi việc do chính chị viết. “Tôi làm việc cho công ty đã 20 năm. Mới đây, phát hiện người thân của tôi cũng có tổ hợp sản xuất đồ lót nên công ty yêu cầu tôi viết đơn xin thôi việc kèm theo lời đe dọa nếu không sẽ bị hạ bậc lương và chuyển đến Bình Dương làm công nhân. Tôi sợ nên buộc phải viết đơn xin nghỉ việc” - chị Phấn cho biết.
Cảnh giác với quyết định miệng
Việc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động (NLĐ) để trục lợi đang xảy ra tại nhiều doanh nghiệp (DN). Hù dọa chỉ là một trong vô số chiêu thức mà DN sử dụng. Có DN thích sử dụng lệnh miệng để sau đó phủ nhận trách nhiệm vì “lời nói gió bay”. Trường hợp anh Nguyễn Minh Dương, công nhân Công ty K.S (quận Bình Tân, TP HCM), là một ví dụ. Đầu tháng 10-2015, do đi vệ sinh không có thẻ, anh Dương bị ông Đức, quản lý, lập biên bản. Cho rằng mình không cố tình không lấy thẻ mà do tìm thẻ không thấy nên anh không ký vào biên bản.
Bực tức vì bị cãi lời, ông Đức yêu cầu anh Dương lên phòng nhân sự làm việc. Sau khi nghe trình bày, phòng nhân sự yêu cầu anh xuống xưởng làm việc nhưng khi xuống xưởng, ông Đức lại không cho làm nên anh phải quay về phòng nhân sự. Sau cuộc trò chuyện giữa quản lý và trưởng phòng nhân sự, anh Dương được thông báo miệng là giám đốc yêu cầu nghỉ việc 20 ngày, hết hạn thì vào giải quyết. Anh Dương kể: “Tôi yêu cầu nếu cho tôi nghỉ phải có giấy tờ đàng hoàng nhưng công ty không đưa. Rồi họ cho bảo vệ đuổi tôi ra ngoài nên tôi buộc phải nghỉ chờ hết 20 ngày mới trở lại làm việc”.
Sau đó, khi đến công ty, anh Dương nhận thêm thông báo miệng là đã bị đuổi việc vì nghỉ nhiều ngày không lý do. “Khi đó, tôi muốn vào công ty gặp giám đốc để hỏi nhưng bảo vệ không cho vào. Tôi quyết định kiện ra tòa nhưng những chứng từ tòa yêu cầu như HĐLĐ (cả 2 bản công ty đều giữ), thông báo nghỉ chờ việc, quyết định cho nghỉ việc... tôi đều không có để cung cấp nên tòa không nhận đơn” - anh Dương bức xúc.
Không thể lấy lý do thiếu hiểu biết...
Theo một cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Bình Thạnh, TP HCM, trong trường hợp NLĐ đã viết đơn xin nghỉ việc hoặc ký thỏa thuận, sau đó thấy bị thiệt thòi quyền lợi nên khởi kiện ra tòa thì khả năng thắng kiện rất thấp. NLĐ phải ý thức được việc làm của mình và chịu trách nhiệm về những việc làm đó. Trước tòa, NLĐ không thể lấy cớ thiếu hiểu biết để biện minh cho hành vi của mình.
Bình luận (0)