Thông thường, trong quan hệ lao động, người lao động (NLĐ) luôn ở thế yếu. Thế nhưng trong một số trường hợp, người sử dụng lao động phải mệt mỏi giải trình với các cơ quan chức năng khi xảy ra tranh chấp. “Cũng vì thương NLĐ, du di bỏ qua hoặc không xử lý kỷ luật tới nơi tới chốn những vi phạm của NLĐ nên bây giờ, chúng tôi phải điên đầu khi giải quyết hậu quả. NLĐ khiếu nại khắp nơi, chúng tôi phải liên tục giải trình, báo cáo”. Đây là tâm sự của bà N.T.M.H, trưởng phòng nhân sự công ty L.P (quận 12, TP HCM), khi trả lời khiếu nại của NLĐ về việc bị xử lý kỷ luật.
Sơ suất nên chuốc rắc rối
Giữa công ty L.P và anh N.V.H có ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn, công việc của anh H. là kế toán nghiệp vụ. Trong quá trình làm việc, anh H. có nhiều vi phạm như: chậm nộp tờ khai thuế GTGT, chậm nộp tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (DN)… Từ những vi phạm đó, cơ quan thuế ban hành quyết định xử phạt công ty L.P gần 10 triệu đồng. Sau khi bị phạt, công ty mời anh H. lên làm việc. Anh H. hứa sẽ khắc phục và mong muốn công ty không xử lý kỷ luật. Xem xét các yếu tố như gia đình khó khăn, đang phải nuôi mẹ già bệnh tật, công ty L.P không kỷ luật, cũng không buộc anh H. bồi thường.
Thế nhưng sau đó, anh H. không giữ đúng cam kết, vẫn tiếp tục tái phạm. Không chỉ chậm nộp tờ khai thuế mà anh H. còn có sai sót về số liệu khiến công ty L.P tiếp tục bị cơ quan thuế phạt tiền. Sau nhiều lần đắn đo, suy nghĩ, giám đốc mời anh H. lên làm việc. Tại buổi làm việc, giám đốc đã chỉ ra những sai phạm và đề nghị anh H. viết đơn xin nghỉ việc. Anh H. biết lỗi nên chấp nhận viết đơn. Việc viết đơn, ban hành quyết định chấm dứt HĐLĐ xảy ra cùng lúc. Giám đốc công ty L.P yêu cầu phòng hành chính soạn quyết định, ký rồi đưa ngay cho anh H.
Cầm được quyết định nghỉ việc, anh H. ra khỏi công ty mà không nộp lại đơn xin nghỉ việc. Mấy hôm sau, Công ty L.P nhận được giấy mời của cơ quan lao động đến làm việc với nội dung anh H. khiếu nại công ty về việc “không gửi đơn xin nghỉ việc mà công ty lại căn cứ vào đơn xin nghỉ việc để chấm dứt HĐLĐ”. “Để thuận lợi cho anh H. tìm việc sau này, công ty đã không xử lý kỷ luật nên bây giờ mới gặp rắc rối. Trong tình huống này, công ty sẽ phải nhận anh H. trở lại làm việc” - bà N.T.M.H than thở.
Làm ơn mắc oán
Trường hợp DN “làm ơn mắc oán” xảy ra rất nhiều, thậm chí chính vì bị “đá hậu” mà về sau DN đâm cảnh giác, nghi ngờ và nguyên tắc cứng nhắc với NLĐ. Trường hợp xảy ra tại một DN gỗ ở Đồng Nai là một ví vụ. Trong quá trình làm việc, anh T.V.T liên tục hút thuốc ở những khu vực có khả năng cháy nổ cao. Công ty nhiều lần nhắc nhở nhưng anh T. vẫn tái phạm nên công ty sa thải và bị anh T. kiện ra tòa. Do sa thải không đúng trình tự nên công ty thua kiện. Sau lần ấy, cứ thấy NLĐ có quê quán cùng với anh T. nộp hồ sơ xin việc là phòng nhân sự gạt ngay, không tuyển.
Tương tự, công ty N.M (quận 2, TP HCM) cũng “đau đầu” khi xử lý kỷ luật một NLĐ trong công ty. Là bảo vệ nhưng anh L.C.Đ thường xuyên nhậu và ngủ dẫn đến mất tài sản của công ty. Công ty N.M cho nghỉ việc nhưng xét hoàn cảnh khó khăn của anh nên không buộc bồi thường. Sau khi bị cho nghỉ việc, cứ vài hôm, anh Đ. nhậu xỉn lại đến trước cổng công ty chửi bới và dọa đánh trưởng phòng nhân sự và ban giám đốc.
Luật sư Nguyễn Văn Cường, Đoàn Luật sư TP HCM, chia sẻ: “Làm việc với DN, tôi thường nhắc nhở họ xử lý kỷ luật phải có lý, có tình để giữ NLĐ nhưng trong những trường hợp nêu trên thì NLĐ thật quá đáng. DN cần xử lý đúng quy định để giữ kỷ cương và tránh phải dây dưa, giải quyết hậu quả khi NLĐ khiếu nại”.
“DN và NLĐ đều cần nhau nên mọi hành xử phải trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Tác phong muốn làm thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN rất đáng phê phán”.
Ông Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật LĐLĐ TP HCM
Bình luận (0)