"Dĩ hòa vi quý" từ lâu đã trở thành giá trị cốt lõi trong văn hóa Việt Nam. Triết lý này không chỉ góp phần giảm thiểu xung đột mà còn giúp tạo nên sự đoàn kết trong cộng đồng. Nhưng khi áp dụng trong môi trường công sở hiện đại - liệu nó có thực sự phù hợp?
Lợi và hại
Bà Ngô Mỹ Linh, Trưởng Phòng Marketing Công ty CP Adecco Việt Nam (quận 4, TP HCM), cho rằng "dĩ hòa vi quý" trong môi trường công sở mang lại nhiều giá trị tích cực, nhưng cũng không thiếu những nhược điểm cần lưu ý.
Mặt tích cực sẽ giúp xây dựng môi trường làm việc hài hòa, giảm căng thẳng và mâu thuẫn, từ đó thúc đẩy sự gắn kết và hợp tác. Điều này giúp tổ chức duy trì mối quan hệ vững chắc và phát triển bền vững. Tuy nhiên, áp dụng không đúng cách nó có thể cản trở sự sáng tạo và phát triển. Ví dụ, nhân viên muốn phản biện hoặc đưa ra sáng kiến mới nhưng lại lo ngại xung đột, dẫn đến hiệu quả công việc giảm sút.
"Việc tránh né thảo luận thẳng thắn để giữ hòa khí có thể khiến môi trường làm việc thiếu minh bạch, khi các vấn đề quan trọng không được nêu ra đầy đủ. Vì vậy, áp dụng "dĩ hòa vi quý" phải khéo léo, vừa duy trì hòa hợp, vừa bảo đảm hiệu quả và minh bạch trong công việc" - bà Linh nói.
Theo ông Đỗ Anh Quân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Core Fitness & Yoga (quận Bình Thạnh, TP HCM), "dĩ hòa vi quý" đôi khi khiến nhân viên tránh bày tỏ ý kiến cá nhân để giữ hòa khí. Song, khi thái độ này trở nên cực đoan, có thể biến thành thụ động và hậu quả tiêu cực.
Trong các cuộc họp, nhân viên có thể chọn im lặng thay vì đóng góp ý tưởng vì lo ngại xung đột hoặc làm mất lòng đồng nghiệp. Từ đó, sẽ có tình trạng đình trệ sáng tạo, hiệu suất công việc nhóm suy giảm vì mâu thuẫn không được giải quyết, dẫn đến bất mãn và ảnh hưởng tinh thần đồng đội.
Quan trọng hơn, niềm tin vào tổ chức bị suy giảm khi nhân viên cảm thấy ý kiến của mình không được coi trọng và không có ảnh hưởng trong các quyết định. "Để tránh "hòa bình giả tạo", các doanh nghiệp cần xây dựng văn hóa làm việc cởi mở, mỗi cá nhân có thể tự do bày tỏ quan điểm và ý kiến. Chỉ khi đó, tổ chức mới có thể phát triển bền vững và tối ưu hiệu quả công việc" - ông Quân phân tích.
Cân bằng, hiệu quả
Ông Trần Thái Hòa, Giám đốc điều hành Công ty TNHH ISL (quận 3, TP HCM), cho rằng kỹ năng giao tiếp khéo léo là chìa khóa giúp vừa duy trì hòa thuận, vừa bảo đảm chất lượng công việc. Thay vì tránh né vấn đề, trao đổi thẳng thắn và mang tính xây dựng sẽ giúp giải quyết khúc mắc.
Do vậy, đòi hỏi mỗi cá nhân không chỉ biết lắng nghe mà còn thể hiện ý kiến tôn trọng, tránh gây căng thẳng hay đối đầu. Cách tiếp cận này sẽ làm rõ vấn đề công việc, xây dựng mối quan hệ trong tổ chức. Bên cạnh đó, lãnh đạo cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích môi trường làm việc cởi mở, nơi tranh luận được xem là cơ hội học hỏi và cải thiện công việc.
"Lãnh đạo thông minh sẽ tạo ra không gian an toàn để nhân viên thể hiện ý kiến, khuyến khích sự đa dạng suy nghĩ mà không sợ bị phê phán. Họ cần biết điều phối cuộc trò chuyện sao cho mọi người cảm thấy thoải mái khi chia sẻ quan điểm, giúp tổ chức phát triển và nâng cao hiệu suất làm việc" - ông Hòa nói.
Bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc chuyên trang tuyển dụng Việc Làm Tốt (quận 1, TP HCM), chỉ ra rằng "dĩ hòa vi quý" trong văn hóa phương Đông và văn hóa tranh luận công khai của phương Tây có sự giao thoa thú vị. Triết lý phương Đông ưu tiên hòa hợp và đồng thuận, giúp duy trì ổn định trong tổ chức. Ngược lại, văn hóa phương Tây khuyến khích tranh luận công khai để làm rõ vấn đề và thúc đẩy sáng tạo.
Nhằm xây dựng một môi trường làm việc hòa thuận, hiệu quả, các tổ chức có thể học hỏi từ cả hai mô hình này. "Dĩ hòa vi quý" giúp duy trì hòa hợp nhưng có thể dẫn đến tránh né vấn đề. Trong khi tranh luận công khai sẽ giải quyết vấn đề nhanh chóng và thúc đẩy sáng tạo, nhưng nếu không kiểm soát tốt, sẽ gây căng thẳng. "Cần tìm sự cân bằng giữa khuyến khích giao tiếp mở, bảo vệ sự tôn trọng và duy trì tranh luận mang tính xây dựng để đạt được hiệu quả cao và giữ vững sự hòa hợp" - bà Ngọc khuyên.
Quyết đoán là yếu tố cần thiết
Bà Lê Thị Mai Anh - Chủ tịch Điều hành Vietnam Public Relations Network (VNPR) - Mạng lưới Quan hệ Công chúng Việt Nam (quận 1), cho rằng "dĩ hòa vi quý" cần được điều chỉnh trong môi trường làm việc hiện đại để cân bằng giữa giá trị truyền thống và tính chuyên nghiệp. Dù triết lý này khuyến khích sự hòa nhã vì lợi ích chung nhưng trong bối cảnh công sở hiện nay đã thay đổi, tính linh hoạt và quyết đoán trở thành yếu tố cần thiết.
Điều chỉnh nguyên tắc này không có nghĩa là từ bỏ sự hòa nhã mà là tránh thái độ nhún nhường thái quá, có thể làm giảm hiệu quả công việc. Do đó, ứng xử khéo léo, quản lý xung đột hiệu quả và khuyến khích hợp tác giữa các phòng ban sẽ tạo ra môi trường làm việc hòa thuận, sáng tạo và năng động.
Bình luận (0)