Ông Trầm Quốc Thắng, Phó Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (huyện Củ Chi, TP HCM), cho biết mỗi tháng HTX xuất chuồng khoảng 5.000 con (trung bình 100 kg/con) ra thị trường.
Nghịch lý
Theo ông Thắng, dù heo nuôi tại HTX Tiên Phong theo tiêu chuẩn VietGAHP (thực hành chăn nuôi tốt cho nuôi heo an toàn) nhưng khi bán cho các công ty và thương lái thì giá cũng bằng heo thường dù chi phí nuôi cao hơn. “Do không có kênh phân phối riêng nên heo VietGAHP sau khi giết mổ pha lóc thì người tiêu dùng có mua được cũng không hay biết!” - ông Thắng chia sẻ.
Trong khi đó, một công ty thủy sản lớn tại TP HCM cho biết có tổ chức nuôi cá điêu hồng ở Tiền Giang. Do hơn 70% sản lượng dùng để xuất khẩu nên quy trình nuôi được nhà nhập khẩu kiểm soát chặt từ con giống, thức ăn cũng như dư lượng hóa chất, kháng sinh. Vấn đề là hiện gần 30% sản lượng còn lại đang được bán nội địa công ty chỉ kiểm soát được đến khi giao cho các vựa ở chợ đầu mối TP HCM. Các vựa này không bán riêng hàng của công ty mà còn mua từ nhiều nguồn khác nên chuyện kiểm soát chất lượng là ngoài tầm.
Bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Chủ nhiệm HTX Rau an toàn Thỏ Việt, cũng thừa nhận thực tế tương tự khi HTX cung cấp ra thị trường khoảng hơn 30 tấn rau/ngày các loại nhưng hơn 50% sản lượng đang được bán dạng “vô danh” tại các chợ đầu mối. Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức, ý tưởng về một khu vực chuyên doanh sản phẩm VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) đã được các bên liên quan bàn từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Sản phẩm VietGAP dù có mặt ở chợ từ lâu nhưng người mua chưa thể nhận biết do thiếu dấu hiệu riêng.
Không dễ tiếp cận người tiêu dùng
Để tiếp cận người tiêu dùng, nhiều nơi tính chuyện mở hệ thống bán lẻ nhưng gặp khó ngay ở chi phí thuê mặt bằng. Thực tế đã có một số cửa hàng rau sạch tại trung tâm TP HCM đóng cửa chỉ sau thời gian ngắn khai trương vì thua lỗ. Hướng ra của HTX Thỏ Việt là né mặt bằng giá cao. Bà Ánh Ngọc cho biết sắp tới, HTX sẽ mở một điểm bán tại quận 2.
“Tại đây sẽ trưng bày hàng cho khách tới mua lẻ, vừa là kho chứa hàng để nhân viên đem giao các nơi. HTX cũng xây dựng website để khách có thể đặt hàng qua mạng. Đây là nỗ lực của tập thể bà con nông dân nhằm đưa rau sạch đến được mọi nhà và hy vọng người tiêu dùng sẽ quen với việc mua rau phải qua sơ chế, đóng gói, có đơn vị chịu trách nhiệm. Từ đó, kéo những người sản xuất khác phải làm theo chứ bây giờ nhiều người vẫn thích mua rau bày ở ngoài đường thì người làm rau sạch còn khổ!” - bà Ngọc nói.
Ngay cả với đơn vị sở hữu chuỗi thực phẩm sạch khép kín thì chuyện kinh doanh cũng chưa được thuận lợi. Bà Lê Ngọc Phượng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn kiêm Giám đốc Sagrifood - thừa nhận sản lượng bán trực tiếp đến người tiêu dùng bằng thương hiệu của công ty (thông qua các cửa hàng Sagrifood, quầy thịt heo tươi sống tại một số Co.opmart, Co.opFood, điểm bán... ) còn ít so với năng lực dù Sagrifood là đơn vị hiếm hoi tại TP HCM sở hữu quy trình sản xuất, kinh doanh theo quy trình khép kín: từ thức ăn chăn nuôi - con giống - kỹ thuật chăn nuôi - giết mổ - chế biến - bảo quản và phân phối sản phẩm; heo và gà Sagrifood nuôi trong hệ thống chuồng trại được đầu tư hiện đại, xây dựng trên diện tích gần 100 ha, bảo đảm an toàn dịch tễ nghiêm ngặt và được chứng nhận VietGAP.
Nguồn cung dồi dào, chất lượng và truy xuất được nguồn gốc, Sagrifood đang tham gia cung ứng heo mảnh cho quầy thịt tại các chợ truyền thống thuộc dự án Lifsap. Đây là dự án nâng cao năng lực cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm do Ngân hàng Thế giới tài trợ nhằm đưa thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn.
“Thế nhưng, heo mảnh của Sagrifood lại khó cạnh tranh về giá với nguồn hàng do thương lái tư nhân cung ứng. Để khuyến khích tiểu thương hướng đến kinh doanh thực phẩm sạch và an toàn, Sagrifood đã có thiện chí bằng chính sách chiết khấu để giảm khoảng cách về giá song sức tiêu thụ chưa được cải thiện” - bà Phượng nêu thực tế.
Giá cao cản bước người tiêu dùng
Nắm bắt tâm lý sợ thực phẩm bẩn của người tiêu dùng, tại TP HCM đã xuất hiện nhiều cửa hàng chuyên doanh thực phẩm sạch. Tại đây, rau củ quả đa phần đều qua sơ chế, có đóng gói, nhãn mác rõ ràng, được bảo quản mát. Thế nhưng, để tương đương với đẳng cấp “sạch”, “an toàn”, giá niêm yết đều rất cao. Tại một cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), cà-rốt có giá 75.000 đồng/kg, nấm rơm 200.000 đồng/kg, cà chua 60.000 đồng/kg, đều gấp từ 1,5-3 lần so với siêu thị.
Bình luận (0)