xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhân lực nhiều ngành kinh tế biển thiếu và yếu

Bài và ảnh: GIANG NAM

Nhân lực phù hợp đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động kinh tế biển, nhất là nuôi biển công nghiệp và cảng biển

Là quốc gia có chiều dài bờ biển lên đến 3.260 km, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình kinh tế biển, từ nuôi trồng, đánh bắt, chế biến hải sản đến khai thác tài nguyên, khoáng sản; phát triển kinh tế hàng hải, kinh tế du lịch và nghỉ dưỡng... Với tiềm năng như vậy, thách thức lớn nhất của ngành kinh tế biển là nguồn nhân lực.

Làm việc theo kinh nghiệm

Hiện nay, nguồn nhân lực kinh tế biển phần lớn là lao động phổ thông, chưa được đào tạo bài bản mà chỉ làm theo kiểu cha truyền con nối. Do đó, khả năng tiếp cận tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ của họ còn hạn chế. Cơ cấu nguồn nhân lực cũng chưa có sự cân đối, chủ yếu mới tập trung vào nghề khai thác hải sản truyền thống.

Tại hội nghị tổng kết chương trình phát triển kỹ năng cho nghề nuôi biển công nghiệp Việt Nam được tổ chức mới đây, ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận xét phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những cơ sở tạo nên bước đột phá để phát triển nghề này. Trong khi đó, nguồn nhân lực phục vụ nuôi biển của nước ta còn hạn chế cả về số lượng lẫn trình độ kỹ thuật.

Theo ông Cẩn, người lao động trong nghề nuôi biển hiện nay thường làm việc theo kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật hạn chế, chưa thể đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô lớn, nhất là ở vùng biển mở, nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, để nghề nuôi biển phát bền vững và hiệu quả, việc đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn, kỹ thuật phù hợp là rất quan trọng.

Cảng biển ngày càng hiện đại, đòi hỏi nhân lực phải có trình độ và kỹ năng

Cảng biển ngày càng hiện đại, đòi hỏi nhân lực phải có trình độ và kỹ năng

Việc chuyển đổi từ mô hình nuôi biển truyền thống sang quy mô công nghiệp đang gặp thách thức bởi nguồn nhân lực. "Phát triển nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế biển nói chung và nuôi biển nói riêng đang trở nên cấp thiết. Đẩy mạnh cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp (DN) và các tổ chức quốc tế sẽ thúc đẩy nguồn nhân lực chất lượng, giúp nghề nuôi biển Việt Nam hướng đến mục tiêu bền vững, cạnh tranh trên thị trường toàn cầu" - ông Cẩn nhấn mạnh.

Ông Hoàng Ngọc Bình, đại diện Công ty TNHH Thủy sản Australia Việt Nam, cho rằng với định hướng mở rộng quy mô nuôi biển theo hướng công nghiệp hiện đại, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất và khoa học - công nghệ, cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng thực hành tốt, trình độ chuyên môn cao. "Việc đào tạo nhân lực nghề nuôi biển giúp DN nâng cao năng suất và chất lượng nuôi trồng, bảo đảm an toàn trong quá trình sản xuất, đồng thời bảo vệ môi trường biển" - ông Bình đánh giá.

Chú trọng việc đào tạo

Không chỉ nghề nuôi biển, ngành cảng biển cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

Báo cáo Dự báo kỹ năng ngành cảng biển Việt Nam giai đoạn 2024 - 2028 cho thấy nguồn nhân lực tại các DN cảng biển, nhất là khối lao động trực tiếp, luôn trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Trong đó, các vị trí khó tuyển dụng nhân sự là điều khiển phương tiện, thiết bị (cẩu quay, cẩu khung, xe đầu kéo); khai thác, kỹ thuật, bốc xếp (giám định sửa chữa, vệ sinh, bảo trì thiết bị xếp dỡ container)… Nhiều DN cho biết lý do thiếu hụt nhân lực là do ứng viên ít, lại thiếu kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng chuyên môn; thiếu chứng chỉ nghề chuyên ngành; ít cơ sở giáo dục đào tạo ngành cảng biển...

Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang đánh giá xu hướng phát triển cảng biển trong thời gian tới đều liên quan đến số hóa, tự động hóa và công nghệ, nhất là với phương tiện, thiết bị vận hành tại cảng.

Với các xu hướng này, đòi hỏi nguồn nhân lực phải được đào tạo với trình độ, kỹ năng phù hợp, nhất là tại các cảng địa phương. Bị tác động rõ rệt nhất là nhân sự ở cấp vận hành cảng, gồm cảng điện tử và cảng thông minh; thiết bị xếp dỡ tự hành; cảng xanh (sử dụng nhiên liệu sạch); robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI).

"Các xu hướng này đã và đang diễn ra nhanh chóng, đòi hỏi nguồn nhân lực phải được đào tạo phù hợp về nghiệp vụ, trình độ và kỹ năng. Lao động có tính kỷ luật, có khả năng thích nghi và làm việc độc lập với cường độ cao... cũng được các DN coi trọng khi tuyển dụng" - ông Giang thông tin.

Trước thực trạng nguồn nhân lực cảng biển vừa thiếu vừa yếu, báo cáo nêu trên đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước xem xét đưa nội dung về đào tạo, đào tạo lại kỹ năng về cảng và cảng biển vào chương trình đào tạo, phát triển kỹ năng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, địa phương cần nâng cao năng lực dự báo, thống kê, chủ động kế hoạch phát triển nhân lực có kỹ năng nghề phù hợp yêu cầu của thị trường lao động, nhất là trong những ngành, nghề mới về cảng biển. 

Chủ động giải quyết thiếu hụt lao động

Theo Báo cáo Dự báo kỹ năng ngành cảng biển Việt Nam 2024 - 2028, thời gian tới cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, DN được đào tạo những ngành, nghề về cảng biển. Qua đó, gắn kết đào tạo với trải nghiệm tại DN để sinh viên tiếp cận công việc thực tiễn.

Việc tham gia sâu các hoạt động đào tạo - xây dựng tiêu chuẩn nghề, chương trình đào tạo và đánh giá chất lượng sinh viên... - sẽ giúp DN chủ động giải quyết bài toán thiếu hụt lao động cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo