Nhìn thấy tiềm năng to lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh cơ hội về kinh doanh, các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) công nghệ cũng rất quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực CNTT tại đất nước 100 triệu dân này.
Những điểm nghẽn
TopDev - nền tảng tuyển dụng nhân lực ngành CNTT - nhận định thị trường lao động trong lĩnh vực này đang đối mặt với bài toán thiếu hụt kép - cả về số lượng và chất lượng.
Trong năm 2024, Việt Nam cần khoảng 500.000 lao động CNTT nhưng hiện mới chỉ đáp ứng được hơn 300.000 nhân sự. Nhu cầu tuyển dụng trong ngành CNTT được dự đoán sẽ tiếp tục tăng cao trong những năm tới, nhất là ở các vị trí đòi hỏi chuyên môn cao như kỹ sư công nghệ, kỹ thuật viên, lập trình viên, kỹ sư cầu nối...
Theo TopDev, có tới 65% sinh viên CNTT tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của DN. Thực tế, trong 4 năm đại học, sinh viên CNTT không có nhiều thời gian cọ xát với công nghệ, ít được thực hành mà chủ yếu học lý thuyết, học đại cương và dành thời gian làm đồ án tốt nghiệp.
Trong khi đó, nhu cầu của DN là kỹ năng và kinh nghiệm thực chiến, thành thạo những công nghệ lập trình như Python, Java... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tốc độ phát triển nhanh chóng của ngành CNTT trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế số. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo bài bản.
Nhiều chuyên gia cho rằng các cơ sở đào tạo CNTT chậm cải tiến giáo trình, đầu tư - nâng cấp trang thiết bị thực hành, chậm cập nhật những công nghệ mới trên thế giới dẫn đến bị tụt hậu, bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua đào tạo nhân lực CNTT.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, nói các nhà đầu tư tới Việt Nam trước hết quan tâm đến thị trường và ưu tiên yếu tố nguồn nhân lực. Tuy vậy, dù được đánh giá là dồi dào, trẻ, chăm chỉ học hỏi nhưng chất lượng nguồn nhân lực CNTT là điều mà các nhà đầu tư quan tâm hơn cả.
"Thực tế, CNTT là ngành thay đổi nhanh nhất nên nhu cầu nhân lực chất lượng cao cũng ngày một tăng. Những công nghệ mới đòi hỏi kỹ năng mới bao gồm năng lực làm việc, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, ứng dụng vào đời sống... Đây là điểm nghẽn của nguồn nhân lực CNTT hiện nay" - bà Giang nhấn mạnh.
Giám đốc công nghệ của IBM Việt Nam Ngô Thanh Hiền cho biết khi mở trung tâm gia công phần mềm tại Việt Nam vào năm 2002, đơn vị đặt kỳ vọng tăng số lượng lập trình viên cũng như chất lượng của đội ngũ nhân lực CNTT. Nhưng thực tế, việc tìm kiếm các lập trình viên có kỹ năng là thách thức lớn không của riêng IBM Việt Nam mà còn của nhiều công ty công nghệ khác. Số lượng lập trình viên của IBM Việt Nam tuy đã tăng nhưng chất lượng, kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm còn hạn chế.
Cuộc chơi dành cho những người giỏi
Khảo sát mới đây của Navigos Group cho thấy thực trạng nhân sự về thị trường lao động ngành CNTT tại Việt Nam đang chứng kiến nhiều biến động quan trọng, phản ánh sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và những thay đổi trong nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Bước sang năm 2024, trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục giữ vị thế là tâm điểm của sự chú ý, mang đến những đột phá đáng kể trong ngành.
Với khả năng tự động hóa và tăng cường hiệu quả, AI không chỉ thúc đẩy năng suất và tăng trưởng kinh tế mà còn đòi hỏi hàng triệu người trên thế giới phải chuyển đổi nghề nghiệp hoặc nâng cao kỹ năng để thích ứng. Giữa bối cảnh thị trường công nghệ sôi động, nhiều báo cáo dự đoán AI có thể thay thế một số vị trí trong ngành CNTT nhưng đồng thời mở ra những cơ hội việc làm mới.
Theo ông Phan Thanh Hiền, Giám đốc sản phẩm và công nghệ của Navigos Group, ngành CNTT - nhất là sự phát triển nhanh chóng của AI - đang cuốn hút người lao động vào một hành trình sự nghiệp mới. Nói đúng hơn là một cuộc cạnh tranh vị trí việc làm rất tích cực mà ở đó hiệu quả công việc, năng suất lao động được tăng cao nhờ sự hỗ trợ của công nghệ. Song, cuộc chơi đó chỉ dành cho những người giỏi và ứng dụng thành thạo công nghệ.
Vậy những người học công nghệ nhưng chưa trở thành nhân lực chất lượng cao thì phải làm sao? Ông Hiền cho rằng nhân sự CNTT không còn cách nào khác là phải tự nâng cao kỹ năng và bắt kịp làn sóng AI, cần có chiến lược học tập và ứng dụng có định hướng rõ ràng để có vị trí trong làng công nghệ.
"Việc cập nhật kiến thức thông qua đọc tài liệu chuyên ngành hoặc tham gia các khóa học uy tín về AI sẽ rất quan trọng. Sau đó, bạn phải ứng dụng để nâng cao hiệu quả công việc và mạnh dạn tham gia những dự án công nghệ lớn, phức tạp để nâng cao trình độ và tay nghề" - ông Hiền nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Trương Thiên Kim, Phó Giám đốc dịch vụ tư vấn tuyển dụng của Adecco Việt Nam, cũng kỳ vọng sinh viên CNTT ngoài chuyên môn phải nắm vững, sử dụng được thì cần trang bị thêm kỹ năng mềm, kỹ năng số và ngoại ngữ.
"Nhà tuyển dụng muốn tìm được ứng viên làm được việc phải sẵn sàng trả lương cao hơn để có được sự gắn bó. Tuy nhiên, đa số DN CNTT đều than tuyển người tài như "mò kim đáy bể". Đa số tuyển về thì phải đào tạo thêm mới làm được việc" - bà Thiên Kim nói.
Thực tế, tuyển dụng nhân sự CNTT với số lượng nhỏ không khó nhưng với dự án có nhu cầu từ 200 người trở lên thì trở thành thách thức không nhỏ" - ông Ngô Thanh Hiền đánh giá.
Bình luận (0)