Tại chương trình "Sinh viên (SV), học sinh đối thoại cùng CEO" có nhiều câu hỏi rất thiết thực với việc chuẩn bị hành trang cho tương lai. Vậy lao động trẻ cần chuẩn bị những gì trước khi gia nhập thị trường lao động?
Phải có chí tiến thủ
Với mỗi người trong xã hội, khi làm bất cứ việc gì đều cần có kiến thức, trải nghiệm và kinh nghiệm. Quan trọng hơn, mỗi cá nhân phải đối mặt với thực tại.
Ông Lê Văn Nghĩa, Giám đốc chi nhánh Thủ Đức - Công ty CP Tập đoàn Thiên Khôi, cho rằng SV mới ra trường đa phần từ môi trường học tập bước ra xã hội, ít được trải nghiệm để đáp ứng tiêu chí của doanh nghiệp (DN). Theo ông, kinh nghiệm không chỉ tích lũy ở riêng lĩnh vực nghề nghiệp mình theo đuổi mà có thể tiếp nhận ở nhiều môi trường trong cuộc sống.
"Với DN, kinh nghiệm, trình độ vẫn không bằng thái độ. Như ở Thiên Khôi không đặt nặng việc tuyển dụng SV mới ra trường, chỉ cần ứng viên có chí tiến thủ, DN sẵn sàng nhận vào làm việc và đào tạo" - ông Nghĩa nói. Tuy nhiên, lao động trẻ cần đưa mình vào khuôn khổ và định hướng đúng đắn cho nghề nghiệp tương lai. Đây là những yếu tố đòi hỏi SV mới ra trường cần phải xác định trước khi gia nhập thị trường lao động.
Tại "Hội chợ việc làm Nhật Bản năm 2024" do Trường ĐH Mở TP HCM tổ chức mới đây, ông Mitsuishi Koji, Giám đốc điều hành bộ phận toàn cầu Tập đoàn Camcom Group, cho biết sắp tới Công ty TNHH Việt Nam Camcom (TP Hà Nội) sẽ mở chi nhánh tại TP HCM, vì vậy có nhu cầu tuyển dụng hàng chục vị trí với mức thu nhập hấp dẫn cho SV.
Để có cơ hội trở thành nhân viên của công ty, SV cần có kiến thức chuyên ngành vững vàng, khả năng giao tiếp bằng tiếng Nhật… Ông cho rằng hiện phần lớn SV ra trường đều có kiến thức cần thiết nhưng khi bước vào môi trường mới thì đòi hỏi nội lực đủ mạnh để đối mặt thực tế. "Các DN Nhật Bản rất chú trọng thái độ nghiêm túc, cầu thị, cùng sự chỉn chu trong công việc. Vì vậy, trước khi bước vào thị trường lao động, SV cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng" - ông Mitsuishi Koji nói.
Chủ động nắm bắt cơ hội
Nhiều chuyên gia đánh giá những năm gần đây, thế hệ lao động trẻ dù có bản lĩnh, tự tin làm chủ cuộc sống, song lại là nỗi đau đầu của DN bởi thái độ, cách làm việc thiếu kỷ luật.
Theo bà Nguyễn Lê Bảo Huyền, Giám đốc nhân sự khách sạn Sofitel Saigon Plaza, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, SV cần xem những hoạt động kiến tập, thực tập làm kim chỉ nam cho hành trình nghề nghiệp. Thực tế, DN không yêu cầu SV mới ra trường biết tất cả mọi thứ mà bước đầu họ đánh giá ứng viên đi làm đúng giờ, nghiêm túc trong công việc và đáp ứng một số tiêu chuẩn đi kèm do DN đề ra. Tức lao động trẻ cần phải nghiêm túc, tuân thủ kỷ luật, thái độ đối với công việc hơn là trình độ.
Còn bà Thanh Nguyễn, CEO Công ty CP Anphabe (quận 1, TP HCM), khuyên lao động trẻ cần hiểu rõ mình muốn làm gì, tạo động lực ra sao và hạnh phúc thế nào. Không chỉ đơn thuần là kiến thức, kỹ năng và năng lực, lao động trẻ còn cần biết cách vận dụng toàn bộ những gì mình có để tạo ra lợi thế cạnh tranh. "Việc xây dựng một nền tảng vững chắc thông qua việc học hỏi liên tục và thích ứng linh hoạt sẽ là chìa khóa giúp lao động trẻ thành công trong bất kỳ môi trường làm việc nào" - bà Thanh Nguyễn nhấn mạnh.
Thừa nhận lao động trẻ có hoài bão và sự sáng tạo đã tạo nên thế hệ lao động kế thừa có cá tính, độc lập, có khả năng làm chủ cuộc sống rất lớn, bà Đinh Mộng Kha, CEO Công ty CP Xích Việt - VietGuys, đánh giá họ được sinh ra và lớn lên trong môi trường khá thuận lợi so với thế hệ trước. Đó là một trong những yếu tố hình thành nên thế hệ lao động bản lĩnh, tự tin. Do vậy, thay vì nhìn nhận với góc độ tiêu cực, DN cần dung hòa giữa các thế hệ thì sẽ có ngay lực lượng lao động nòng cốt, hết mình vì công việc, tận tâm cho sự phát triển của DN.
Tăng cường kết nối với doanh nghiệp
TS Lê Nguyễn Quốc Khang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM, cho biết những năm qua, nhằm kết nối cung cầu lao động giữa người học và DN, nhà trường đã ký kết hợp tác với 574 đơn vị, DN uy tín trong và ngoài nước. Riêng với ngành ngôn ngữ Nhật được nhà trường đào tạo từ năm 2007. Đến nay có hơn 1.200 SV tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm (tỉ lệ 100%). Để có được kết quả đó, từ khâu đào tạo đã được nhà trường chú trọng và không ngừng nâng cao qua các năm. Qua đó, cung cấp lượng lớn nguồn nhân lực có chất lượng cao cho xã hội.
Bình luận (0)