xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tránh lãng phí nguồn lực có chuyên môn

Bài và ảnh: TRUNG NAM

Sở hữu nguồn nhân lực dồi dào nhưng TP HCM đang đối diện với tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ nghề

Vì lý do gia đình, chị Trần Thị Bích (35 tuổi, quê Gia Lai) chuyển vào TP HCM tìm việc làm. Có 8 năm kinh nghiệm làm kế toán nhưng hơn 3 tháng nay, chị vẫn chưa tìm được công việc phù hợp. Chị Bích cho biết đã tận dụng hết các nền tảng tìm việc trực tuyến, tạo hồ sơ và ứng tuyển hàng chục lần nhưng nhận rất ít phản hồi từ nhà tuyển dụng.

Nghịch lý

"Có thể do các doanh nghiệp (DN) ở đây ứng dụng phần mềm kế toán chuyên dụng nên chỉ cần tìm người trẻ, sử dụng thành thạo công nghệ, trả lương cũng thấp hơn người có kinh nghiệm mà lại được việc. Vì vậy, tôi dù có kinh nghiệm nhưng cũng "có tuổi" nên nhà tuyển dụng không quan tâm" - chị Bích bộc bạch.

Ở góc độ nhà tuyển dụng, anh Võ Quốc, trưởng phòng nhân sự một công ty giao nhận hàng hóa tại quận Tân Bình (TP HCM), cho biết lượng hồ sơ ứng tuyển vị trí nhân viên giao hàng có trình độ cao tăng nhanh trong thời gian qua. Với chế độ tuyển nhân viên toàn thời gian, thu nhập hấp dẫn nhưng với khoảng 37% hồ sơ ứng tuyển có trình độ cao khiến anh Quốc không khỏi băn khoăn. 

"Tôi cảm thấy tiếc cho một lực lượng lao động có trình độ cao lại đang phải làm những công việc của lao động phổ thông, dù đây cũng là công việc đáng quý. Khi nhận làm công việc này, rõ ràng người lao động (NLĐ) ý thức được những vất vả và cảm thấy phí chất xám của mình" - anh Quốc nói.

Tránh lãng phí nguồn lực có chuyên môn- Ảnh 1.

Mỗi năm có khoảng 100.000 sinh viên hòa nhập vào thị trường lao động TP HCM

Theo khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI), có 165.333 người có nhu cầu tìm việc làm trong năm 2024, trong đó có đến 115.832 người trình độ từ đại học trở lên (chiếm 70,06%). Kết quả kinh nghiệm làm việc cho thấy 54,65% người tìm việc có trên 5 năm kinh nghiệm, có 2 - 5 năm kinh nghiệm cũng chiếm đến 29,5%. Lao động tìm việc không có kinh nghiệm hay chỉ có 1 năm kinh nghiệm chiếm tỉ lệ rất thấp.

Trong khi đó, theo nhu cầu tuyển dụng thì cho kết quả ngược lại. Khảo sát 64.126 lượt DN có nhu cầu tuyển 318.731 vị trí việc làm cho thấy có 34,36% số vị trí việc làm mà DN cần tuyển là lao động có 1 năm kinh nghiệm và 40,92% vị trí không cần kinh nghiệm. Còn lao động trên 5 năm kinh nghiệm chỉ chiếm 5,39% nhu cầu.

Điều đó cho thấy tình trạng thừa lao động có trình độ chuyên môn cao tại TP HCM đang ngày càng nghiêm trọng. "Bên cạnh đó, mỗi năm TP HCM tiếp nhận mới thêm khoảng 100.000 sinh viên đại học tốt nghiệp cần tìm kiếm việc làm càng khiến "khủng hoảng thừa" thêm nghiêm trọng hơn" - ông Phạm Văn Cẩn, Phó Giám đốc FALMI, đánh giá.

Chọn lọc kỹ lưỡng

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM (HIDS), cho thấy nguồn lao động di cư đến TP HCM giảm khoảng 200.000 người/năm (năm 2019) xuống 65.000 người vào năm 2023. Điều này đặt ra thách thức cho TP HCM trong việc bảo đảm nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển kinh tế.

Đáng chú ý, lao động di cư đến TP HCM có xu hướng giảm các ngành nghề thâm dụng lao động, tăng dần tỉ trọng lao động ngành điện, điện tử, giảm dần tỉ trọng ngành dệt may, giày da. Tỉ lệ nhóm lao động di cư có trình độ học vấn có xu hướng tăng lên. Tỉ lệ công nhân chuyên môn kỹ thuật bậc trung (có tay nghề) cũng gia tăng liên tục. Lao động phổ thông dù vẫn còn chiếm tỉ lệ cao nhưng đã giảm xuống rõ nét. 

"Kết quả này cho thấy đã có sự chuyển dịch trình độ học vấn của NLĐ di cư từ mức thấp sang mức cao hơn. Nói cách khác, lao động di cư đến TP HCM ngày càng được chọn lọc, tỉ lệ lao động có trình độ học vấn càng cao" - TS Nguyễn Thị Hoài Hương (Viện HIDS), Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, nói.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP HCM, cho biết nhu cầu nhân lực có trình độ đại học tại TP HCM hằng năm vào khoảng 18% - 22%, trình độ cao đẳng và trung cấp hơn 50%. Nhưng trên thực tế, người có nhu cầu tìm việc có trình độ đại học trở lên lại chiếm hơn 60%.

Theo ông Tuấn, điều này nảy sinh nhiều vấn đề trong thị trường lao động của thành phố. Nhiều người sẽ cố gắng tìm việc, chấp nhận làm trái nghề gây lãng phí nguồn lực xã hội. "Từ đó, dẫn đến việc biến động nhân sự tăng cao, gây khó khăn cho hoạt động của DN. Trong khi nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng lao động chưa cần kinh nghiệm, trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng để phù hợp với tình hình thực tế của DN lại khó tìm người làm" - ông Tuấn nhận xét.

Đáng chú ý, hiện các DN đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động sản xuất - kinh doanh có nhu cầu tuyển lao động có kỹ năng số tăng cao. Tuy vậy, thực tế cho thấy nhiều lao động có trình độ cao nhưng kỹ năng số lại chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nền kinh tế số. 

Chất lượng lao động ở TP HCM được đánh giá ra sao?

Nhằm đánh giá chất lượng lao động trên địa bàn thành phố trong năm 2024, FALMI đã khảo sát tại 17.500 DN đang sử dụng 475.818 NLĐ. Theo đó, nhóm lao động quản lý, các DN đánh giá kiến thức chuyên môn từ tốt đến rất tốt (chiếm 93,6%), kỹ năng mềm (92,6%), kỹ năng chuyên môn (92,3%). Đối với nhóm lao động gián tiếp, có kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm (83,37%) và kỹ năng chuyên môn (75,86%) từ tốt đến rất tốt. Còn nhóm lao động trực tiếp, có kiến thức chuyên môn (73,26%), kỹ năng mềm (69,54%) và kỹ năng chuyên môn (66,79%) từ tốt đến rất tốt.

Kết quả khảo sát về năng suất lao động cũng cho thấy DN đánh giá có đến 93,45% từ tốt đến rất tốt.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo