Theo số liệu của nền tảng tìm việc và tuyển dụng trực tuyến Việc Làm Tốt (thành viên của Chợ Tốt), nhu cầu tuyển dụng trong 8 tháng đầu năm 2024 trên nền tảng tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm 2023, tập trung ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Các lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều nhất hiện nay thuộc các nhóm công nghệ thông tin và giáo dục (tăng 100%), vận tải và logistics (tăng 92%). Các nhóm công việc như tài xế, kho vận, công nhân, xây dựng... có tốc độ tăng trưởng tuyển dụng từ 46% - 72%.
Chi nhiều, thu ít
Với đà phục hồi của kinh tế từ đầu năm đến nay, 85% doanh nghiệp (DN) trả lời khảo sát của Việc Làm Tốt cho biết họ đang gặp tình trạng thiếu lao động. Khoảng 30% DN trong số này đang đối mặt với thiếu hụt nhân sự trầm trọng (thiếu hơn một nửa so với nhu cầu thực tế). Điều này khiến nhiều DN phải tăng chi ngân sách cho các chiến dịch tuyển dụng.
Một DN chuyên lắp ráp bộ dây điện ô tô tại KCX Tân Thuận (quận7, TP HCM) mới đây đã chi 200 triệu đồng để thuê 2 kênh TikTok chuyên về mảng nhân sự để livestream và đăng quảng cáo trên nhiều báo đài để tuyển khoảng 300 lao động. Tuy vậy, chiến dịch tuyển dụng này chỉ mang về được hơn một nửa số lượng so với kế hoạch đề ra.
Người phụ trách tuyển dụng DN này cho biết lúc trước đây chỉ cần dán thông báo ở cổng, đăng tuyển trên website, fanpage của công ty là tuyển đủ người, nhưng khoảng 2 năm nay, số lượng ứng viên rất ít, luôn tuyển không đủ.
Tại "thủ phủ công nghiệp" Bình Dương, đại diện Phòng Nhân sự Công ty TNHH Pungkook III (TP Thuận An), cho biết do đơn hàng tăng 200% so với cùng kỳ, nên DN phải tuyển thêm 1.000 lao động, nhưng từ khi đăng tin đến nay, con số người lao động (NLĐ) đến tìm hiểu, nộp hồ sơ rất "nhỏ giọt".
"Dù đưa ra nhiều chế độ đãi ngộ và điều kiện tuyển dụng rất đơn giản nhưng đến nay chúng tôi mới tuyển được 350 người, vì vậy con số 1.000 lao động cần tuyển thêm từ nay đến cuối năm là khó khả thi. Chúng tôi tiếp tục chi ngân sách và nhân lực để cố gắng tuyển đủ" - vị đại diện này cho hay.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Dương, cho biết 8 tháng của năm 2024, tại địa phương đã có hơn 60.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN). Theo ông Tuyên, thực tế các DN có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động nhưng lại gặp nhiều khó khăn, dù lao động thất nghiệp vẫn nhiều.
Trong đó, người thất nghiệp phần nhiều trong độ tuổi từ 40 trở lên nhưng đa phần các DN đưa ra các yêu cầu tuyển dụng với độ tuổi nhỏ hơn 40. "Khi hưởng TCTN, NLĐ chưa quan tâm nhiều đến chính sách hỗ trợ học nghề, tư vấn giới thiệu việc làm. Vì vậy, việc kết nối, hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho đối tượng này thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn" - ông Tuyên nói.
Đau đầu chất lượng ứng viên
Bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc Vận hành Chợ Tốt kiêm Giám đốc Việc Làm Tốt, cho rằng có 4 thách thức lớn nhất trong tuyển dụng nhân sự số lượng lớn mà các DN đang gặp phải. Đầu tiên là hiệu suất tuyển dụng, sàng lọc hồ sơ ứng viên chưa được tối ưu hóa. Khoảng 40% nhà tuyển dụng chia sẻ rằng họ mất quá nhiều thời gian để liên hệ và sàng lọc do hồ sơ ứng viên không đầy đủ.
Tiếp đến là sự phù hợp yêu cầu của ứng viên. Chỉ 14% ứng viên đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chuyên môn, kỹ năng mềm và thái độ mà nhà tuyển dụng đặt ra. Thứ ba là sự cạnh tranh trong tuyển dụng rất khốc liệt, nên các DN tìm mọi cách để thu hút ứng viên. Và cuối cùng là tính cam kết của ứng viên chưa cao.
"Nhiều DN đến chúng tôi đều có chung "nỗi đau" là tìm không đủ nhân lực để phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất - kinh doanh. Hơn nữa, chất lượng ứng viên cũng làm nhà tuyển dụng đau đầu" - bà Ngọc nói. Ở chiều ngược lại, yếu tố quan trọng nhất với người tìm việc là tính tin cậy. Theo bà Ngọc, hơn 60% NLĐ kỳ vọng tính xác thực của tin đăng và nhà tuyển dụng. NLĐ cũng mong muốn ứng tuyển nhanh chóng, dễ dàng từ khâu tạo hồ sơ xin việc đến cách liên hệ với nhà tuyển dụng.
Bà Bùi Thị Kiều Mi, Giám đốc toàn quốc Bộ phận phát triển khách hàng của Adecco Việt Nam, cho biết trong bối cảnh các nền tảng trực tuyến phát triển như hiện nay, chi phí tuyển dụng điều hướng dành cho các nền tảng này được các DN chú trọng. Tuy vậy, hiệu quả vẫn chưa cao do tâm lý e dè của NLĐ.
Nhất là việc nhiều đối tượng lợi dụng sự phổ biến của các nền này đã mạo danh để lừa đảo tuyển dụng khiến NLĐ càng mất niềm tin khi ứng tuyển của mạng xã hội. "Do đó, việc xây dựng niềm tin tuyển dụng là cách tốt nhất để các DN gia tăng thu hút ứng viên bên cạnh những chế độ phúc lợi khác" - bà Mi nhấn mạnh.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Thiều, quản lý nhóm cộng đồng công nhân KCX Tân Thuận trên Facebook với hơn 58.000 thành viên, cho biết nhiều DN liên hệ với ông để đăng tuyển dụng nhưng NLĐ ứng tuyển rất ít. Theo ông Thiều, hiện NLĐ đang muốn hưởng các chế độ của BHXH nên không đi làm những công ty có ký hợp đồng lao động. Trong thời gian lãnh trợ cấp, NLĐ sẽ tìm nhiều công việc thời vụ, chạy xe ôm công nghệ, về quê hoặc ra ngoài buôn bán... Hơn nữa, những thông tin tuyển dụng trên mạng xã hội không còn đáng tin cậy nên ít người quan tâm.
Liên kết tuyển người
Ông Phạm Văn Tuyên đánh giá từ đây đến cuối năm, nhu cầu tuyển dụng của DN tại Bình Dương là khoảng 15.000 lao động. Do vậy, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp tục liên kết lao động tại một số tỉnh miền Tây, Tây Nguyên như: Trà Vinh, Cà Mau, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk... Ngoài ra, trung tâm còn kết nối đưa DN Bình Dương đến tận địa phương để tuyển dụng nhằm thu hút lao động về Bình Dương làm việc.
(Còn tiếp)
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-9
Bình luận (0)