Tình trạng "đi làm mà như thất nghiệp" diễn ra ở những người có việc làm chính thức nhưng không thực sự tham gia nhiều vào công việc, dẫn đến hiệu suất và năng suất thấp. Họ cảm thấy không có động lực, không có cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp, dẫn đến sự thiếu hụt giá trị ở nơi làm việc. Khảo sát do Công ty CP Giải pháp CareerViet (TP HCM) thực hiện mới đây cho thấy 58% người lao động không hài lòng với công việc hiện tại. Điều này góp phần hình thành một nhóm lao động không chịu học hỏi, không nỗ lực trong công việc nhưng lại không nghỉ việc.
Mất niềm tin vào công việc
Anh Nguyễn Công Minh - kỹ sư phần mềm có 5 năm kinh nghiệm; làm việc tại một công ty công nghệ ở TP Thủ Đức, TP HCM - đang đối mặt tình trạng kiệt sức và mất hứng thú trong công việc.
Minh cho biết ban đầu anh rất nhiệt huyết, luôn sẵn sàng chia sẻ ý tưởng và hợp tác với đồng nghiệp để hoàn thành các dự án. Song, những đợt cắt giảm nhân sự đã làm tăng khối lượng công việc, buộc anh phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ mà trước đây thuộc những đồng nghiệp đã nghỉ việc, nên dần cảm thấy áp lực. Bên cạnh đó, việc công ty không có kế hoạch phát triển nghề nghiệp rõ ràng khiến anh cảm thấy những đóng góp của mình không được đánh giá đúng mức.
Dù đã tham gia các khóa học trực tuyến để nâng cao kỹ năng, anh Minh vẫn gặp khó khăn trong việc cải thiện hiệu suất công việc. Áp lực việc làm và thiếu định hướng phát triển đã khiến anh mất niềm tin vào công việc mà trước đây rất yêu thích. "Những yếu tố tiêu cực liên tiếp xảy ra đã khiến các dự án không đạt kết quả như mong đợi. Tôi cảm thấy thất vọng. Nếu có môi trường làm việc tốt hơn, tôi sẽ thay đổi" - anh bày tỏ.
Chị Trần Hoàng Lan - nhân viên lễ tân tại một khách sạn ở quận 1, TP HCM - cũng đang trải qua cảm giác chán nản với công việc. Trước đây, Lan luôn tận tâm phục vụ khách nhưng khi khách sạn chuyển sang mô hình tự phục vụ, công việc của chị trở nên đơn điệu. Việc thiếu cơ hội phát triển kỹ năng và thăng tiến khiến chị mất hứng thú. Cùng với sự thờ ơ từ ban quản lý, chị càng thêm thất vọng. Tình trạng này đã làm chị suy giảm động lực làm việc, thiếu gắn kết với công việc.
Trong khi đó, anh Lê Văn Hoàng - nhân viên văn phòng tại quận 3, TP HCM - may mắn hơn khi được những người quản lý nhận ra tinh thần làm việc giảm sút. Họ đã đưa ra các chính sách khuyến khích như: linh hoạt giờ làm việc, tổ chức các hoạt động kết nối... Tuy nhiên, anh vẫn cảm thấy những chính sách này chỉ mang tính tạm thời, chưa giải quyết triệt để vấn đề.
"Lúc đầu, tôi cảm thấy công việc mình làm như một hành trình khám phá. Nhưng sau hơn 2 năm mà tôi không có cơ hội thăng tiến, công việc ấy trở nên nhàm chán. Tôi chỉ đi làm để hoàn thành trách nhiệm và nhận lương" - anh Hoàng tâm sự.
Duy trì năng lượng tích cực
Một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy 22% lực lượng lao động toàn cầu rơi vào tình trạng "đi làm như thất nghiệp". Tình trạng này xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có việc thiếu động lực và cơ hội thăng tiến, dẫn đến hiệu suất làm việc kém.
Ông Bùi Đoàn Chung, người sáng lập Cộng đồng Nghề nhân sự Việt Nam với hơn 26.000 thành viên, cho rằng tình trạng trên đang gia tăng, nhất là trong nhóm lao động trẻ (chiếm khoảng 1/3 lực lượng lao động ở Việt Nam). Đối với họ, mục đích và hạnh phúc trong công việc được đặt lên hàng đầu. Họ không chỉ tìm việc làm để kiếm sống mà còn khao khát môi trường làm việc có ý nghĩa. Những công việc lặp đi lặp lại, thiếu động lực, không rõ ràng về tương lai khiến họ dễ cảm thấy chán nản.
Ngoài ra, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo cũng ảnh hưởng đến tình trạng này. Nhiều người cảm thấy lạc lõng khi công việc của họ dần trở nên đơn điệu, ít có khả năng phát triển, dẫn đến việc ngày càng nhiều cá nhân cảm thấy mình không còn cần thiết trong tổ chức.
Theo ông Chung, để giải quyết vấn đề trên, các doanh nghiệp (DN) cần tạo ra môi trường làm việc tích cực, cung cấp cơ hội thăng tiến rõ ràng và khuyến khích sự phát triển của mỗi nhân viên. Bà Ngô Mỹ Linh, Trưởng Phòng Marketing - Công ty CP Adecco Việt Nam, cho rằng lãnh đạo và bộ phận nhân sự cần thay đổi cách tiếp cận, hiểu rõ động lực cống hiến và nhu cầu phát triển của từng nhân viên. Việc ứng dụng công nghệ để tiến hành khảo sát định kỳ sẽ giúp DN nắm bắt tình hình thực tế của nhân viên, xây dựng các chính sách thích hợp nhằm nâng cao sự hài lòng của họ và gắn kết trong tổ chức.
Nhân lực cần nắm rõ xu hướng để thích ứng
Tại sự kiện "The Makeover 2024" với chủ đề "Foster Green Dynamics (Thúc đẩy động lực xanh)" do Công ty CP Kết nối nhân tài - Talentnet tổ chức trong 2 ngày 15 và 16-10, các diễn giả đã bàn về động lực mới trong đổi mới, như trí tuệ nhân tạo (AI), nguồn nhân lực xanh, hợp tác xanh và đãi ngộ xanh. Sự kiện không chỉ định hình xu hướng "xanh hóa" mà còn giới thiệu các xu hướng đãi ngộ mới và chiến lược thu hút nhân tài trong bối cảnh thị trường lao động năng động.
Đặc biệt, Talentnet đã công bố "Báo cáo thực trạng chuyển đổi của DN tại Việt Nam năm 2024", nêu bật các xu hướng chuyển đổi nội địa và chiến lược chuyển đổi xanh. Số liệu được công bố cho thấy có 41% DN Việt bắt đầu chuyển đổi trong 3 năm trở lại đây, thấp hơn 25% so với mức độ chuyển đổi của DN nước ngoài (66%). Tuy nhiên, 46,1% DN hài lòng với kết quả của tiến trình chuyển đổi. Chỉ số cao hơn khá nhiều so với thế giới (25%), cho thấy sự tự tin của DN Việt khi tiếp cận chuyển đổi. Từ góc nhìn của các quản lý cấp cao tham gia báo cáo, Talentnet đã xác định 3 trọng tâm chuyển đổi của DN Việt Nam trong thời gian tới bao gồm tối ưu quy trình vận hành (62,5%), củng cố cơ cấu nhân sự (50%) và cải thiện trải nghiệm khách hàng (47,9%).
Bình luận (0)