Theo Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2024, tình trạng thiếu việc làm có xu hướng tăng, số lao động trong độ tuổi là 940.500 người - tăng 27.300 người so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi báo cáo từ nhiều tỉnh, thành cho thấy các doanh nghiệp (DN) gia tăng tuyển dụng, nhiều nơi đang tuyển hàng ngàn lao động nhưng đều không tuyển đủ người.
Tỉ lệ thất nghiệp tăng
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng so với quý trước và giảm so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 15 - 24 duy trì ở mức cao (với 8,01%, tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước). Dù là lực lượng lao động trẻ có trình độ, nhiều cơ hội lựa chọn công việc nhưng tỉ lệ thất nghiệp luôn cao.
Về chất lượng cung lao động, vẫn còn bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập. Trong đó, có khoảng 70% lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên (tỉ lệ lao động có bằng, chứng chỉ quý II/2024 đạt 28,1%).
Thị trường lao động cũng chưa có sự cải thiện nhiều về chất lượng, khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỉ lệ lớn (khoảng hơn 3/5 tổng số lao động có việc làm của cả nước). Tính chung 6 tháng đầu năm, số lao động phi chính thức là 33,4 triệu người, tỉ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 65% (tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái).
Điều đó đã đặt ra nhu cầu cần thiết trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sự cấp thiết trong việc mở rộng cơ hội đào tạo và cấp bằng chuyên môn, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong nền kinh tế hiện đại. Ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Giám đốc toàn quốc dịch vụ tư vấn tuyển dụng của Adecco Việt Nam, cho rằng thời điểm này là giai đoạn để Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nắm bắt mọi cơ hội để trở thành điểm đến hấp dẫn của các DN quốc tế.
Nhằm nâng cao và duy trì tính cạnh tranh với nhiều chuyên gia nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội, người lao động (NLĐ) Việt Nam cần chú trọng và khẩn trương phát triển các kỹ năng phù hợp với yêu cầu của thị trường hiện nay.
Theo nhiều chuyên gia lao động - việc làm, trong giai đoạn Việt Nam thu hút mạnh mẽ đầu tư nước ngoài, nhu cầu tuyển dụng nhân sự thông thạo tiếng Anh và các ngôn ngữ khác để tăng cường kết nối với đối tác quốc tế ngày càng gia tăng. Vì vậy, điểm yếu về ngoại ngữ cần sớm được loại bỏ nếu NLĐ không muốn bỏ qua những cơ hội việc làm tốt hơn.
Tăng khả năng thích ứng
Các chuyên gia cho rằng hiện xu hướng tuyển dụng lao động thông thạo kỹ năng kỹ thuật số, sử dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học máy tính và blockchain (công nghệ chuỗi khối) để thích ứng với sự biến đổi nhanh chóng của thị trường.
Ngoài ra, nhiều nhà tuyển dụng ngày càng ưa chuộng những ứng viên vừa sở hữu kỹ năng chuyên môn và tư duy kinh doanh vừa có khả năng làm việc độc lập với sự hỗ trợ của các công cụ kỹ thuật số. Khả năng thích ứng linh hoạt và làm chủ tình huống trong môi trường thay đổi nhanh cũng được đánh giá cao.
"Thị trường lao động đang dịch chuyển từ các công việc truyền thống ít đòi hỏi kỹ năng sang các vị trí chuyên môn hóa cao. Do đó, bí quyết để NLĐ thành công trong thời đại này là sự linh hoạt, thích nghi và tâm thế sẵn sàng với những cơ hội mới" - ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương nói.
Báo cáo mới đây của ManpowerGroup Việt Nam cho thấy những khó khăn của NLĐ Việt Nam, bao gồm cả lao động phổ thông, khi chuyển đổi sang một công việc tốt hơn là thiếu kỹ năng và kinh nghiệm làm việc (13%), phải cân bằng giữa trách nhiệm cá nhân và mong muốn nghề nghiệp (18%) hoặc thiếu thông tin và cơ hội tiếp xúc với các lĩnh vực việc làm xanh (12%).
Bên cạnh đó, một bộ phận NLĐ chưa sẵn sàng đón nhận những cơ hội việc làm thời vụ hoặc ngắn hạn. Trong khi đa phần các công việc lao động phổ thông phụ thuộc vào kế hoạch sản xuất của DN hoặc theo đơn hàng.
Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc nhân sự toàn quốc của ManpowerGroup Việt Nam, đánh giá không ít người gặp hạn chế trong việc tiếp cận các thông tin tuyển dụng chính thống. Nhất là với lao động phổ thông sống ở vùng sâu, vùng xa, nơi internet còn chưa phổ biến, ít có cơ hội tiếp xúc với công nghệ, thậm chí không có điện thoại thông minh nên gần như không biết đến các cơ hội việc làm phù hợp.
Một rào cản nữa là thiếu kỹ năng hay bằng cấp. Đây là một trong những điểm yếu lớn nhất của lao động Việt Nam. Trong khi đó, để đáp ứng yêu cầu sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh, yêu cầu tuyển dụng của DN ngày càng cao hơn. Đặc biệt, trong xu hướng các DN nước ngoài đến Việt Nam đầu tư sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, chính xác, tinh xảo để phục vụ thị trường quốc tế thì việc họ kỳ vọng có đội ngũ nhân sự giỏi chuyên môn, rành công nghệ, tay nghề cao là điều đương nhiên.
Hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nhằm giải quyết việc làm cho NLĐ nói chung, thanh niên nói riêng, bộ đã và đang hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, xây dựng dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Trong đó, nghiên cứu, rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về hỗ trợ việc làm cho NLĐ và các quy định về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề, các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ, giúp họ dễ dàng tiếp cận hơn trong việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm và tìm kiếm việc làm phù hợp.
Bên cạnh đó, bộ cũng thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN), giải quyết việc làm cho người học nghề sau khi ra trường, đào tạo gắn với nhu cầu của DN, thị trường; tăng cường trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDNN; quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN; khuyến khích DN tham gia đào tạo nghề...
V.Linh
Bình luận (0)