Theo báo cáo mới đây của ManpowerGroup, 77% nhà tuyển dụng ở khu vực Đông Nam Á gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự phù hợp, nhất là người có chuyên môn về công nghệ thông tin (IT) - dữ liệu, kỹ thuật, marketing (tiếp thị) và bán hàng. Trong khi đó, những ngành có nhu cầu nhân lực lớn là tài chính, bất động sản, chăm sóc sức khỏe, khoa học đời sống... cũng yêu cầu ứng viên phải có kỹ năng số.
Doanh nghiệp nước ngoài "hớt tay trên"
Một công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự IT tại TP HCM cho biết các doanh nghiệp (DN) có trụ sở ở Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia... liên tục đặt hàng tuyển kỹ sư công nghệ người Việt có kinh nghiệm hoặc tốt nghiệp ĐH loại giỏi. Các đối tác này đưa ra mức lương, thưởng hấp dẫn và hình thức làm việc linh hoạt.
Theo đó, mức lương khởi điểm là 1.500 - 3.000 USD, tùy vị trí; hình thức làm việc kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Nếu người lao động (NLĐ) từ Việt Nam phải đến văn phòng trụ sở chính ở nước ngoài làm việc, DN tuyển dụng sẽ chịu trách nhiệm về visa và mọi chi phí di chuyển, chỗ ở…
Bà Thy Nguyễn, quản lý bộ phận tuyển dụng của công ty nêu trên, đánh giá nhân sự Việt Nam giỏi công nghệ và tiếng Anh có rất nhiều cơ hội làm việc ở những DN công nghệ hàng đầu châu Á. Mức thu nhập cao và chế độ đãi ngộ "chưa từng thấy trong nước" là cách mà các DN nước ngoài "hớt tay trên" DN Việt trong cuộc đua nhân sự công nghệ hiện nay.
![Các triển lãm công nghệ thường thu hút đông đảo sinh viên đến tham quan, trải nghiệm Các triển lãm công nghệ thường thu hút đông đảo sinh viên đến tham quan, trải nghiệm](https://nld.mediacdn.vn/thumb_w/640/291774122806476800/2025/2/13/6-chot6-1739447028913422456271.jpg)
Các triển lãm công nghệ thường thu hút đông đảo sinh viên đến tham quan, trải nghiệm
Trong thực tế, các DN công nghệ nước ngoài đã thu hút và tuyển dụng nhiều nhân sự giỏi của Việt Nam khi họ đang có việc làm ổn định. Các DN này đánh giá rất cao khả năng thích nghi, sáng tạo và những đóng góp vào việc tăng trưởng của công ty, trong khi yêu cầu về thu nhập, đãi ngộ của NLĐ Việt Nam tương đối dễ chịu. "Đó cũng là lý do chúng tôi liên tục nhận được đơn hàng tuyển dụng từ các đối tác nước ngoài thời gian gần đây" - bà Thy Nguyễn giải thích.
Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực IT. Bà Thy Nguyễn cho rằng điều đó không chỉ thu hút các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới đến Việt Nam đầu tư mà còn tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt thời gian tới về nhân lực IT trong nước.
Khan hiếm nhân sự AI ở mọi cấp độ
Ngành công nghiệp bán dẫn đang trở thành lĩnh vực quyết định lợi thế cạnh tranh về công nghệ của nhiều quốc gia. Trong bối cảnh đó, báo cáo mới đây của Chính phủ cho thấy Việt Nam đã có những bước đi ấn tượng trong việc hợp tác với các tập đoàn lớn như: Cadence, Intel, Qorvo, Apple, Marvell, Samsung, Synopsys...
Nhiều chuyên gia nhận định lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đang dẫn dắt những thay đổi đột phá trên thế giới. Các tập đoàn Microsoft, Google, Qualcomm, Meta đã tăng cường hợp tác nghiên cứu, ứng dụng AI tại Việt Nam. Các tập đoàn trong nước như Viettel, VinGroup, FPT, CMC... cũng chủ động, tích cực triển khai đồng bộ các dự án, hoạt động nghiên cứu, phát triển về AI.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối diện là chất lượng nguồn nhân lực. Tại hội nghị về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Khách hàng DN - Nvidia Việt Nam, cho biết thị trường lao động trong nước đang khan hiếm nhân sự AI ở mọi cấp độ, cần hàng trăm ngàn kỹ sư AI trong 3 năm tới.
Theo ông Cường, Việt Nam còn thiếu kỹ sư về khoa học dữ liệu, vận hành AI. Khi công nghệ này đi vào các chuyên ngành sẽ cần nhiều nhà khoa học dữ liệu, khoa học chuyên ngành để ứng dụng AI trong sinh học, y học, ngân hàng, viễn thông. "Do đó, Chính phủ cần quan tâm tăng cường đào tạo nhân lực AI trong nước, bên cạnh việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi trên thế giới" - ông Cường nhấn mạnh.
Để đào tạo nhân lực chất lượng cao với số lượng lớn đáp ứng nhu cầu, PGS-TS Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP HCM, đề xuất Việt Nam cần nhiều giảng viên chất lượng; cần áp dụng phương thức người đi trước đào tạo người đi sau; kết hợp giữa phương pháp tự học và giáo viên hướng dẫn. "Bên cạnh việc đào tạo đại trà cho sinh viên, cần phải đào tạo lại nhân lực IT hiện có tại các DN" - PGS-TS Nguyễn Hữu Huân khuyến nghị.
Hợp tác phát triển nhân lực
Hiện nay, nhiều DN nước ngoài đề xuất đầu tư phát triển nguồn nhân lực AI cho Việt Nam. Đại diện Google Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục cung cấp học bổng, chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng AI cho bất cứ ai có đủ điều kiện; cung cấp miễn phí Google WorkSpace, Classroom để học sinh, giáo viên tiếp cận AI từ sớm.
Samsung cũng tài trợ phòng lab và trang bị hơn 700 máy tính cho các trường đại học nhằm cải thiện môi trường đào tạo IT; hợp tác triển khai các dự án nghiên cứu, các cuộc thi lập trình dành cho sinh viên...
Bình luận (0)