Cách đây 10 năm, quyết tâm lãnh đạo công nhân đình công đã được Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ đạo các cấp Công đoàn (CĐ), đặc biệt là CĐ TP HCM tập trung thực hiện. Song, đến giờ, quyết tâm đó vẫn chưa được hiện thực hóa bởi... đình công không phải chuyện dễ!
Khi nào được đình công?
Theo quy định, đình công chỉ được tiến hành đối với các “tranh chấp lao động tập thể về lợi ích”.
“Tranh chấp lao động tập thể về lợi ích”, theo khoản 9, điều 3 Bộ Luật Lao động (BLLĐ) là tranh chấp lao động phát sinh từ việc tập thể lao động yêu cầu xác lập các điều kiện lao động mới so với quy định của pháp luật, thỏa ước tập thể, nội quy hoặc các quy chế, thỏa thuận hợp pháp khác. Nói cho dễ hiểu, tranh chấp lao động về lợi ích là tranh chấp phát sinh khi tập thể lao động đòi hỏi những lợi ích cao hơn luật, thỏa ước tập thể, nội quy lao động hoặc những thỏa thuận khác.
Trớ trêu thay, gần như 100% các cuộc tranh chấp lao động tập thể hiện nay là “tranh chấp lao động về quyền”. Thế nào là tranh chấp lao động tập thể về quyền thì khoản 8, điều 3 BLLĐ giải thích là tranh chấp giữa tập thể lao động với người sử dụng lao động phát sinh từ việc giải thích và thực hiện khác nhau quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, quy chế và thỏa thuận hợp pháp khác. Cũng xin diễn đạt cho dễ hiểu: đây là tranh chấp do doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, vi phạm thỏa thuận trong thỏa ước tập thể, nội quy, quy chế và các thỏa thuận hợp pháp khác, xâm hại quyền lợi người lao động.
Như vậy, việc doanh nghiệp trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, chậm trả lương, quỵt lương, ép buộc tăng ca... như đã và đang xảy ra là vi phạm pháp luật, xâm hại quyền lợi tập thể lao động. Nếu xảy ra tranh chấp với những nội dung trên thì đây là tranh chấp lao động về quyền và tập thể lao động không được đình công. Loại tranh chấp này thuộc thẩm quyền giải quyết của hòa giải viên lao động; chủ tịch UBND quận, huyện (gọi chung là cấp huyện) và TAND. Thế nên, đâu phải muốn là đình công!
Mất 1 tháng để làm thủ tục!
Theo quy định tại khoản 2, điều 203 BLLĐ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm hòa giải viên lao động và hội đồng trọng tài lao động. Trình tự giải quyết tranh chấp này được quy định như sau: Trước tiên, các bên phải gửi đơn yêu cầu đến hòa giải viên lao động. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải. Nếu hòa giải không thành thì một trong hai bên có quyền yêu cầu Hội đồng Trọng tài lao động giải quyết.
Sau khi nhận đơn, trong thời hạn 7 ngày làm việc, Hội đồng Trọng tài lao động phải kết thúc việc hòa giải. Bản sao biên bản phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 1 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản. Sau thời hạn 5 ngày kể từ ngày Hội đồng Trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một trong các bên không thực hiện thỏa thuận thì tập thể lao động có quyền tiến hành thủ tục đình công. Trong trường hợp hòa giải không thành thì sau thời hạn 3 ngày, tập thể lao động có quyền tiến hành thủ tục đình công.
Chỉ riêng bước đầu tiên này có thể mất đến 18 ngày!
Bước thứ hai, sau khi đã xác định “được đình công” thì phải tiến hành các bước thủ tục: Lấy ý kiến tập thể lao động, ra quyết định đình công và tiến hành đình công. Các bước thủ tục này chưa biết kéo dài bao lâu vì phải thu thập được chữ ký đồng ý của trên 50% số người được lấy ý kiến. Có được điều này rồi thì Ban Chấp hành CĐ mới ra quyết định đình công. Chưa hết, luật lại quy định ít nhất 5 ngày trước ngày bắt đầu đình công, Ban Chấp hành CĐ phải gửi quyết định đình công cho người sử dụng lao động, cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh và CĐ cấp tỉnh.
Như vậy, từ lúc phát sinh tranh chấp đến lúc tổ chức cuộc đình công đúng trình tự đã mất ngót nghét 1 tháng. Trong khi người lao động thường đòi hỏi bức xúc phải được giải quyết nhanh chóng, tức thì và họ chọn tự phát ngừng việc.
Công đoàn lấy gì để bồi thường?
Ngay từ BLLĐ năm 1994, CĐ đã được giao quyền tổ chức, lãnh đạo đình công. Thế nhưng, tại sao đến nay vẫn chưa có cuộc đình công nào do CĐ tổ chức, lãnh đạo? Ngoài việc thủ tục rắc rối, phức tạp, kéo dài thì phải kể đến nguyên nhân mà bất cứ cán bộ CĐ nào cũng phải e dè. Đó là quy định về xử lý vi phạm đối với cuộc đình công (điều 233): Trong trường hợp cuộc đình công là bất hợp pháp mà gây thiệt hại cho người sử dụng lao động thì tổ chức CĐ lãnh đạo đình công phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật!
Sáu ngày ngừng việc tập thể đầu năm nay tại Công ty Nissey (KCX Tân Thuận, TP HCM) thiệt hại là bao nhiêu? Cũng từng ấy thời gian công nhân Công ty Pou Yuen (quận Bình Tân) ngừng việc để phản đối điều 60 Luật BHXH, thiệt hại của doanh nghiệp là những con số không nhỏ. Và còn rất nhiều trường hợp như vậy.
“Cán bộ CĐ là người làm công ăn lương như những người lao động khác, CĐ cơ sở hoạt động trong trụ sở do doanh nghiệp cấp cho, lấy tài sản đâu để bồi thường? Chừng nào luật còn quy định như thế thì cam đoan rằng không có cuộc đình công nào đúng luật mà chỉ có những vụ ngừng việc tập thể tự phát, không do CĐ tổ chức, lãnh đạo” - cán bộ CĐ một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại KCX Linh Trung 1, TP HCM khẳng định.
Bình luận (0)