Đây cũng là thời điểm thị trường tuyển dụng trở nên sôi động khi các doanh nghiệp (DN) tích cực mở rộng nhân sự đầu năm, tạo điều kiện cho những ai mong muốn làm mới bản thân.
Mất động lực
Chị Mai Ngọc Lan (29 tuổi, TP Hà Nội) đã gắn bó hơn 5 năm với vị trí nhân viên kế toán tại một công ty sản xuất. Công việc ổn định nhưng càng ngày chị càng cảm thấy mọi thứ đi vào lối mòn. Suốt năm qua, khối lượng công việc tăng đáng kể, trong khi cơ hội thăng tiến ngày càng mờ nhạt. Không có thử thách mới, cũng không còn động lực phát triển, chị Lan nhận ra đã đến lúc cần một sự thay đổi.
"Tôi muốn tiến xa hơn trong sự nghiệp nhưng nếu không có cơ hội thăng tiến, sẽ mãi giậm chân tại chỗ" - chị Lan bày tỏ. Dù vậy, chị vẫn quyết định chờ đến Tết để nhận thưởng cuối năm. Đây không chỉ là quyền lợi tài chính mà còn giúp chị có thêm thời gian chuẩn bị cho bước đi tiếp theo. Chị Lan hy vọng sẽ tìm được môi trường làm việc năng động hơn, nơi có những cơ hội phát triển rõ ràng và thử thách để bứt phá.
Trong khi đó, anh Trương Minh Tiến Tùng (35 tuổi, TP Cần Thơ), nhân viên kinh doanh với 12 năm kinh nghiệm, cũng bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về việc tìm kiếm công việc mới ngay sau kỳ nghỉ Tết. Nhiều năm qua, anh không ngừng nỗ lực, mang về nhiều hợp đồng giá trị cho DN. Thế nhưng, khi nhận thưởng Tết, con số lại thấp hơn mong đợi, không tương xứng với những đóng góp của anh.
Trước đó, anh Tùng từng kỳ vọng một khoản thưởng xứng đáng hoặc ít nhất là một đợt tăng lương nhưng công ty vẫn không có bất kỳ sự cải thiện nào. "Tôi sẵn sàng cống hiến nhưng nếu thu nhập không phản ánh đúng giá trị, tôi buộc phải tìm kiếm một nơi khác trân trọng mình hơn. Vì vậy, ngay sau Tết, tôi đã bắt đầu cập nhật hồ sơ và tìm kiếm cơ hội với mức đãi ngộ tốt hơn" - anh Tùng nói.
Trái ngược với anh Tùng, chị Nguyễn Lê Trúc Linh (26 tuổi, TP HCM), nhân viên marketing (tiếp thị), không quá áp lực về lương thưởng nhưng lại gặp vấn đề nghiêm trọng với môi trường làm việc. Những ngày đầu, chị yêu thích công việc và hào hứng với những dự án mới. Nhưng về sau, áp lực ngày càng lớn. Đồng nghiệp không hỗ trợ mà cạnh tranh tiêu cực, trong khi quản lý chỉ giao việc mà không hướng dẫn, thậm chí đưa ra những yêu cầu phi lý. Mỗi ngày đi làm với chị là một chuỗi căng thẳng kéo dài.
Theo chị Linh, lương không phải là yếu tố quan trọng nhất nhưng nếu ngày nào cũng đi làm trong trạng thái mệt mỏi, mất động lực thì không thể tiếp tục lâu dài được.
Cạnh tranh cao
Nhiều chuyên gia nhân sự đánh giá quyết định nhảy việc không nên dựa vào cảm xúc nhất thời, nhất là sau kỳ nghỉ dài. Người lao động (NLĐ) cần cân nhắc kỹ mức độ hài lòng với công việc hiện tại, chế độ đãi ngộ cũng như diễn biến thị trường lao động để đưa ra lựa chọn phù hợp.
Bà Phạm Lan Khanh, CEO Công ty CP Truyền thông số Flamingo (quận 1, TP HCM), cho biết sau Tết, tỉ lệ NLĐ nhảy việc từ 20% - 30%, cao hơn so với các thời điểm khác trong năm. Một số ngành nghề có biến động nhân sự lớn như: công nghệ thông tin, tài chính - ngân hàng, bán lẻ, dịch vụ... Với lao động phổ thông, nhiều công nhân nghỉ việc sau khi nhận đủ lương, thưởng Tết để tìm công việc gần nhà hoặc có thu nhập cao hơn.
Theo bà Khanh, thay đổi công việc sau Tết có thể mang lại cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Đây là thời điểm nhiều DN mở rộng tuyển dụng, giúp NLĐ có cơ hội tìm vị trí tốt hơn với chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Tuy nhiên, nhảy việc có thể dẫn đến gián đoạn thu nhập, mức lương thử việc thấp hoặc khó khăn trong thích nghi với môi trường mới. "Hơn nữa, cạnh tranh tuyển dụng sau Tết rất cao, đòi hỏi ứng viên phải có sự chuẩn bị kỹ càng. NLĐ cần cân nhắc khả năng thích nghi, tiềm năng phát triển và bảo đảm tài chính cá nhân trước khi quyết định chuyển việc" - bà Khanh lưu ý.
Ông Nguyễn Lê Vĩnh Lynh, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Ngắm cảnh Việt Nam tại TP HCM (quận 1), cho rằng nhảy việc sau Tết sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, sự ổn định của NLĐ và gây áp lực tuyển dụng cho DN, dẫn đến nguy cơ mất đi nhân sự có kinh nghiệm, chuyên môn cao. Nhiều NLĐ tìm kiếm công việc mới sau Tết với kỳ vọng mức lương tốt hơn, cơ hội thăng tiến rõ ràng hoặc môi trường làm việc phù hợp hơn.
Nhằm hạn chế tình trạng này, DN cần xây dựng chính sách đãi ngộ cạnh tranh. Ngoài lương, thưởng nên mở rộng phúc lợi như: bảo hiểm sức khỏe, hỗ trợ đào tạo, chăm sóc tinh thần cho nhân viên. Đồng thời, môi trường làm việc phải chuyên nghiệp, tôn trọng và khuyến khích sáng tạo sẽ giúp tăng mức độ gắn kết; có lộ trình thăng tiến rõ ràng sẽ giúp NLĐ nhìn thấy cơ hội phát triển dài hạn và sự ghi nhận xứng đáng từ DN. "Khi NLĐ có động lực cống hiến, họ sẽ ít bị tác động bởi xu hướng nhảy việc sau Tết, giúp DN ổn định nguồn nhân lực và phát triển bền vững" - ông Lynh nhấn mạnh.
Tuân thủ quy định
Theo luật sư Trần Văn Trí, Công ty Luật TNHH Sài Gòn Phú Sỹ - FUJILAW (quận 1), NLĐ có thể gặp rủi ro pháp lý khi nhảy việc nếu không tuân thủ Bộ Luật Lao động 2019. Theo điều 35, NLĐ phải báo trước 3 - 45 ngày tùy hợp đồng, nếu không sẽ mất trợ cấp thôi việc và phải bồi thường. Nếu ký thỏa thuận đào tạo (điều 62), nghỉ sớm có thể phải hoàn trả chi phí.
Điều 21 quy định NLĐ phải tuân thủ bảo mật thông tin, thỏa thuận không cạnh tranh, nếu vi phạm có thể bị kiện. Khi nghỉ việc, DN phải thanh toán lương, chốt sổ BHXH trong 14 ngày (điều 48, 96), nếu chậm, NLĐ có quyền khiếu nại. Do vậy, để tránh rủi ro, NLĐ cần đọc kỹ hợp đồng và tuân thủ quy định.
Bình luận (0)