xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Thị trường lao động: Cung rượt đuổi cầu (*): Nhận diện điểm nghẽn, đề xuất giải pháp

Bài và ảnh: GIANG NAM

Quy trình tuyển dụng còn nhiều bất cập khiến doanh nghiệp không tiếp cận đúng người cần

Càng vào những tháng cuối năm, nhu cầu tuyển dụng càng cao nhưng tình trạng thiếu lao động kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp (DN) các tỉnh trọng điểm phía Nam ráo riết tuyển bổ sung. Hàng loạt chế độ đãi ngộ hấp dẫn dành cho người lao động (NLĐ) như: chỗ ở, thưởng lương tháng 13, thưởng thêm sau Tết Nguyên đán... Nhưng thách thức mà các DN đang gặp là làm sao để tuyển đủ lao động như mong muốn.

Xoay xở đủ cách

Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH tại TP HCM, đánh giá thị trường lao động luôn đặc thù, ở đó có các chủ thể tìm việc làm và tạo ra công việc. Trong bối cảnh các DN có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn lại không thu hút được NLĐ, tuyển không đủ dẫn đến ảnh hưởng hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Vậy điểm nghẽn ở đâu?

Người lao động mong muốn có việc làm ổn định, thu nhập tốt để gắn bó lâu dài

Người lao động mong muốn có việc làm ổn định, thu nhập tốt để gắn bó lâu dài

Theo phân tích của ông Thắng, đại dịch COVID-19 đi qua đã lâu nhưng hệ quả vẫn còn, ít nhất là với thị trường lao động. Đối với NLĐ, dịch bệnh đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý tìm việc làm, nhất là khi họ so sánh về điều kiện làm việc, thu nhập. Nhiều người sẵn sàng chấp nhận mức lương, thu nhập thấp khi làm gần nhà nhằm giảm bớt chi phí, bảo đảm cho con cái học tập, sinh sống.

Về phía DN, sau những biến cố của thị trường lao động, để phòng ngừa các rủi ro, nhà tuyển dụng cũng trở nên "rụt rè" hơn khi triển khai đồng bộ những chính sách bảo đảm quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ. Thậm chí có DN biểu hiện "lách luật" trong tuyển dụng. 

"Thay vì tuyển lao động làm việc lâu dài, ổn định, nhiều DN áp dụng chính sách tuyển người làm thời vụ. Tư duy đó đã gây tác dụng ngược, do không tạo đủ độ tin cậy cho NLĐ về thu nhập và công việc có tính ổn định lâu dài, điều mà bất kỳ lao động nào khi đăng ký tuyển dụng cũng mong muốn đầu tiên" - ông Thắng đánh giá.

Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ NLĐ sau nhiều năm gắn bó với một công việc có xu hướng chuyển đổi ngành nghề để tìm kiếm cơ hội mới. Nhiều lao động sử dụng số vốn ít ỏi tích lũy được (bao gồm cả tích lũy từ đóng BHXH) để tìm kiếm cơ hội kinh doanh, mong muốn thu nhập cao hơn. Đây cũng là nguyên nhân làm cho số lượng lao động rút khỏi thị trường lao động chính thức gia tăng.

Cũng lý giải về tình trạng các DN chưa thu hút được nhiều NLĐ ứng tuyển, ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-CN TP HCM, cho rằng lương là yếu tố chính. So với đời sống hiện nay tại TP HCM, mức lương khởi điểm các DN đưa ra không hấp dẫn NLĐ. Tuy lương cơ bản đã tăng nhưng thu nhập bình quân 8 - 10 triệu đồng/tháng sẽ không đủ sinh hoạt. 

"Cải thiện lương và thu nhập, cùng với các phúc lợi như chỗ ở, đi lại... thì mới thu hút được lao động. Bên cạnh đó, các DN cũng cần có chiến lược giữ chân NLĐ, đẩy mạnh đào tạo để phát triển nguồn nhân lực nội bộ phù hợp với tiến trình phát triển của DN" - ông Thành nói.

Bảo đảm việc làm bền vững

Theo Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) Vũ Trọng Bình, khắc phục những bất cập của thị trường lao động là nhiệm vụ quan trọng, trong đó có việc hoàn thiện dự án Luật Việc làm (sửa đổi). 

Ông nhấn mạnh chính sách việc làm không chỉ hỗ trợ NLĐ về an sinh mà còn hỗ trợ họ tham gia thị trường lao động có hiệu quả - nhất là đối tượng yếu thế, người cao tuổi, dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Bên cạnh đó, chính sách việc làm mới đưa ra một số chính sách bảo đảm việc làm xanh và bền vững.

Cục trưởng Cục Việc làm cho biết có 4 nhóm chính sách mà Luật Việc làm (sửa đổi) tập trung để quản trị thị trường lao động tốt hơn, phù hợp các tiêu chuẩn, thông lệ và cam kết quốc tế trong lĩnh vực việc làm mà Việt Nam tham gia. Đó là quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập; hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động; phát triển kỹ năng nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy tạo việc làm theo hướng bền vững.

Nhằm phát huy hiệu quả hoạt động quản lý thị trường lao động, phải xây dựng chặt chẽ hơn các báo cáo thị trường lao động và dự báo nhu cầu nhân lực. "Cần làm nổi bật các chỉ số thể hiện "sức khỏe" của thị trường việc làm để giúp công tác quản lý thị trường và kết nối cung - cầu lao động hiệu quả hơn. Ngoài ra, cũng cần đổi mới cách làm để NLĐ và DN gặp nhau nhanh chóng, người tìm đúng việc, DN tìm đúng người" - ông Bình phân tích.

Ở góc độ DN cung cấp dịch vụ tuyển dụng lao động, bà Hoàng Thị Minh Ngọc, Giám đốc vận hành Chợ Tốt kiêm Giám đốc Việc Làm Tốt, cho rằng với ưu điểm lượng người sử dụng lớn, có thể tùy chọn ngành nghề, mức lương, bằng cấp…, tuyển dụng trực tuyến đang được cả DN và NLĐ ưa chuộng. 

"Thế mạnh công nghệ và dữ liệu lớn kết hợp sự thấu hiểu người dùng qua hơn một thập kỷ đồng hành với người dùng tại Việt Nam trên Chợ Tốt, Việc Làm Tốt tự hào mang đến cho DN và NLĐ Việt Nam một nền tảng trực tuyến thông minh, dễ sử dụng và hiệu quả, giúp họ tìm thấy các cơ hội việc làm mới để cuộc sống trở nên dễ dàng, thuận tiện và ý nghĩa hơn" - bà Ngọc nói.

Là một nền tảng hàng đầu trong lĩnh vực lao động số lượng lớn, Việc Làm Tốt kết nối các cơ hội việc làm tin cậy và bền vững, chung tay cùng các DN giải quyết bài toán tuyển dụng một cách hiệu quả, trực tiếp góp phần vào sự phát triển của thị trường lao động. 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-9

"Ngành LĐ-TB-XH cần xây dựng hệ thống dữ liệu lao động toàn quốc gắn với dữ liệu dân cư quốc gia. Từ đó, việc quản lý và kết nối cung - cầu lao động giữa các tỉnh, thành, vùng miền sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn" - bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP HCM, đề xuất.

Tọa đàm "Xu hướng và giải pháp cho thị trường tuyển dụng lao động số lượng lớn"

Hôm nay, 12-9, lúc 8 giờ 30 phút, tại lầu 2 tòa nhà Báo Người Lao Động (số 123 - 127 Võ Văn Tần, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP HCM) sẽ diễn ra tọa đàm "Xu hướng và giải pháp cho thị trường tuyển dụng lao động số lượng lớn" do Báo Người Lao Động phối hợp với Việc Làm Tốt và các đơn vị đồng hành tổ chức, được trực tiếp trên nld.com.vn.

Tọa đàm có sự tham gia đóng góp ý kiến của đại diện lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH, Sở LĐ-TB-XH các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, TP HCM, DN… Qua đó, nhằm hướng tới một thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và hội nhập; đồng thời cung cấp những thông tin hữu ích, những đề xuất đột phá, những bài học tâm huyết từ các DN, chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng và việc làm.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo